Thay đổi văn hóa ứng xử mạng bằng pháp luật

(PLVN) - Từ ngày 25/12, người dùng tại Việt Nam sẽ phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động hoặc định danh cá nhân để hoạt động trên mạng xã hội. Đồng thời, nhiều quy định mới cũng được ban hành nhằm thay đổi thói quen của người dùng mạng, hướng tới hình thành một xã hội số minh bạch và văn minh.
Mỗi người dùng mạng xã hội cần có thói quen suy nghĩ cẩn thận trước khi gõ phím. (Ảnh: Getty)

Tạo thói quen “nghĩ bằng luật pháp” trước khi gõ phím

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, với lượng người dùng đông đảo, đã và đang tác động sâu rộng tới hầu hết mọi khía cạnh của đời sống văn hóa, xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực như lừa đảo trực tuyến, phát tán tin giả, bạo lực ngôn từ trên mạng, bắt nạt qua mạng,… Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) năm 2024, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản, chủ yếu trên các nền tảng Zalo (76,5 triệu người dùng hàng tháng), Facebook (72 triệu người dùng hàng tháng), Tiktok và YouTube lần lượt là 67 và 63 triệu người dùng.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành các văn bản pháp lý nhằm quản lý và điều chỉnh hoạt động trên môi trường mạng. Điển hình là Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng 2018 tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ an ninh, an toàn thông tin quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định, quyết định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nhằm bảo đảm hoạt động mạng diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Trong đó, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành theo Quyết định số 847/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 đóng vai trò định hướng hành vi, chuẩn mực ứng xử văn minh trên không gian mạng, góp phần xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh và giàu giá trị nhân văn. Các văn bản này không chỉ quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia mạng internet phải tuân thủ các quy định về an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân. Chế tài xử lý vi phạm cũng đã được bổ sung và hoàn thiện. Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng được quy định rõ ràng trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, với mục 2 đề cập cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến internet.

Một văn bản pháp luật đáng chú ý thời gian qua là Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bổ sung các quy định mới nhằm thay đổi thói quen của người sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, Nghị định này quy định về trách nhiệm cho những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam, có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong một tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Như vậy, người dùng mạng xã hội đã được xác thực chính danh người dùng mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Quy định này hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo thông tin giả, xấu, độc.

Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em, triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về an ninh mạng không chỉ dừng lại ở khía cạnh tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, mà còn đi đôi với việc tăng cường quản lý nhà nước về không gian mạng. Các cơ quan chức năng và cơ quan thực thi pháp luật cũng liên tục cập nhật và điều chỉnh các quy định để đối phó với những thách thức mới phát sinh từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và không gian mạng.

Minh chứng là trong năm vừa qua, Bộ TT&TT và Sở TT&TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội; trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng. Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%). Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu, độc của Bộ TT&TT đã kết nối với các Trung tâm Xử lý tin giả, tin xấu, độc tại địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố). Nhờ vậy, các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay được vi phạm tại địa bàn. Hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới đã đi vào nề nếp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn đều ý thức, nhận thức phải tuân thủ quy định về quảng cáo.

Trách nhiệm công dân số, xây dựng văn hóa số

Pháp luật là công cụ định hướng quan trọng, đặt nền tảng cho hành vi và hoạt động trên không gian mạng, nhưng chính ý thức tự giác và văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân mới thực sự tạo nên một văn hóa số bền vững và xã hội số văn minh. Ý thức tự giác thể hiện qua việc tuân thủ các quy định pháp luật, biết chọn lọc thông tin, hành xử có trách nhiệm và tôn trọng quyền lợi của người khác. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng không chỉ dừng ở việc tránh các hành vi tiêu cực như lan truyền tin giả, xúc phạm cá nhân, mà còn bao gồm việc xây dựng môi trường tương tác tích cực, chia sẻ nội dung có giá trị và bảo vệ các giá trị nhân văn. Khi mỗi người tự giác hành động đúng đắn và duy trì lối ứng xử văn minh, không gian số không chỉ trở nên an toàn mà còn trở thành nơi thúc đẩy sáng tạo, học hỏi và gắn kết cộng đồng. Chính sự kết hợp giữa pháp luật định hướng và ý thức cá nhân tự giác sẽ là chìa khóa để xây dựng một xã hội số phát triển, văn minh, giàu bản sắc.

Pháp luật hiện hành quy định chính danh sử dụng mạng xã hội. (Ảnh: Bộ TT&TT)

Minh chứng là Đà Nẵng - địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành khung năng lực công dân số, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố thông minh. Theo khung năng lực này, có 9 thành tố tạo nên công dân số là khả năng truy cập vào những nguồn dữ liệu số, có thể tương tác trong không gian số, kỹ năng số cơ bản, mua bán sản phẩm trên internet, chuẩn mực đạo đức trong không gian số, nghĩa vụ và trách nhiệm ở không gian số, xác thực - định danh, thông tin cá nhân và quyền riêng tư trong không gian số. Đây là một trong những nội dung nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là tấm gương về nỗ lực nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện của thành phố trong kỷ nguyên công nghệ số.

Không thể phủ nhận, một xã hội số văn minh và giàu bản sắc được cấu thành bởi những công dân số có trách nhiệm. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng một xã hội số văn minh là nâng cao ý thức pháp luật của người dùng mạng xã hội. Hiểu biết pháp luật và quy tắc tham gia không gian mạng cần được nâng cao trong mọi môi trường như gia đình, nhà trường, xã hội và trên các kênh truyền thông số; đặc biệt cần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, định hướng giá trị sống tích cực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ.

Đọc thêm