Thấy gì đằng sau những bài thi môn Sử "gây choáng"?

 
Khi được hỏi tại sao không chọn khối khác để đăng kí mà lại đăng kí khối C thì nhiều thí sinh cho rằng vì thi các khối khác mà không biết gì thì dễ để giấy trắng với điểm không tròn trịa. Còn thi khối C vốn là những môn tự luận nên còn may ra trúng tủ, hoặc ít ra cũng “bịa” được chút ít tránh để giấy trắng. Hệ quả của việc “sáng tạo” lịch sử là những bài làm “gây sốc” còn tệ hại hơn cả để giấy trắng.
Kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2012 đã khép lại, một lần nữa qua các phương tiện thông tin đại chúng, độc giả cả nước lại biết đến những bài thi lịch sử gây “sốc” của một số thí sinh dự thi đại học khối C như: “Năm 1945 chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1975 đã cùng Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chiến thắng Điện Biên phủ”, “Năm 1975 nhân dân ta bầu Nguyễn Ái Quốc lên làm Chủ tịch nước” ,“Nhật Bản có bom nguyên tử để doạ Liên Xô”, “Nhật Bản là thành viên sáng lập tổ chức ASEAN”… 
Thí sinh tỏ ra rất khó khăn với môn lịch sử (hình chỉ mang tính minh họa)
Thí sinh tỏ ra rất khó khăn với môn lịch sử (hình chỉ mang tính minh họa)
Là những giáo viên dạy Sử, từng coi thi, chấm thi môn Sử của nhiều kỳ thi nhiều năm, chúng tôi khẳng định rằng: Sự hiểu biết kém cỏi và những lời dám “viết lại” lịch sử đó của nhiều thí sinh không chỉ xảy ra trong một kỳ thi.
Vấn đề là do nhiều lý do tế nhị kèm theo những “quy chế bất thành văn” trong các Hội đồng chấm thi của ngành giáo dục nên chúng ta vẫn cứ che dấu những yếu kém  đó. Chỉ có những giáo viên trực tiếp làm nhiệm vụ chấm thi thì họ mới có dịp “mục sở thị” và đối mặt với thực tế phũ phàng đó và rất ít trong số họ lên tiếng( vì nhiều lý do khác nhau ) trước công luận sau khi kết thúc nhiệm  vụ.
“Bệnh thành tích” trong giáo dục không những không “chữa” được mà đã ăn sâu vào ý thức và hành động trong thi cử khiến người ta không dám đối mặt với nó, né tránh nó, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Đọc những thông tin đó, không chỉ là những người quan tâm đến môn Lịch Sử mới thấy "sốc", mà có lẽ tất cả những người quan tâm đến giáo dục Việt nam đều thất vọng. Vẫn biết rằng đó là những trường hợp cá biệt, không đại diện cho số đông thí sinh dự thi.
Với những lỗi “ngớ ngẩn” đó thì không thể đổ lỗi cho chương trình và nội dung sách giáo khoa hay đề thi và đáp án, cũng không thể quy trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên dạy Sử. Thực chất đó là sự lười biếng, thiếu trách nhiệm trong học tập và tu dưỡng của những thí sinh này. Điều khiến dư luận băn khăn là tại sao có những thí sinh yếu kém về kiến thức lịch sử như vậy mà vẫn đăng kí dự thi đại học khối C?
Khi tiếp xúc với nhiều phụ huynh và thí sinh dự thi, chúng tôi nhận được nhiều cách lí giải mà các nhà giáo dục phải suy ngẫm. Quan niệm chung là đã mất công học 12 năm đến khi tốt nghiệp thì phải dự thi đại học cho biết, đậu hay trật không quan trọng, chỉ coi đó là một cuộc dạo chơi.
Khi được hỏi tại sao không chọn khối khác để đăng kí mà lại đăng kí khối C thì nhiều thí sinh cho rằng vì thi các khối khác mà không biết gì thì dễ để giấy trắng với điểm không tròn trịa. Còn thi khối C vốn là những môn tự luận nên còn may ra trúng tủ, hoặc ít ra cũng “bịa” được chút ít tránh để giấy trắng. Hệ quả của việc “sáng tạo” lịch sử là những bài làm “gây sốc” còn tệ hại hơn cả để giấy trắng.
Dưới góc độ giáo dục thì việc phân luồng và công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông còn hạn chế, nên nhiều học sinh ảo tưởng, phụ huynh thì không biết được năng lực thực sự của con em mình. Từ đó không có được sự định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, cứ đăng kí dự thi theo kiểu may rủi, gây tốn kém tiền bạc cho gia đình và góp phần tạo nên không khí nặng nề cho kì thi. Với những thí sinh đó thì không chỉ có môn Lịch Sử mới có những câu “ngớ ngẩn”, mà tất cả các môn đều trong tình trạng như vậy. Vì thực chất kiến thức đã bị hổng toàn bộ và chỉ có những kì thi kiểu “sự cố Đồi Ngô” thì may ra mới đậu.
Thực trạng trên cho thấy một bộ phận học sinh phổ thông lười biếng, kiến thức hổng nhưng vẫn có ảo tưởng thi đại học. Họ lựa chọn thi khối C không phải do năng lực hay sở thích, mà chỉ là sự lựa chọn mù mờ theo kiểu may rủi. Qua tìm hiểu thực tế ở trường phổ thông thì không phải tất cả các thí sinh đăng kí dự thi khối C đều có năng lực học các môn khoa học XH-NV, mà có một bộ phận không nhỏ do không có năng lực thi khối nào thì đăng kí khối C.
Ngược lại, có nhiều em có năng lực học các môn khoa học XH-NV thực sự thì khối C cũng không phải là sự lựa chọn số một. Đây là một thực trạng đáng buồn về sự xuống cấp của các ngành khoa học XH-NV trong hệ thống giáo dục nước ta hiện nay khiến cho các nhà giáo dục và quản lí phải suy ngẫm.
Để chấm dứt tình trạng đó, GS.TS.NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội khoa học Lịch Sử Việt Nam khẳng định: “Đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhìn thẳng, nói thật và làm thật, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ từng bước thay đổi thực tế này. Với tư cách là một tổ chức tư vấn và phản biện, chúng tôi cùng với các chuyên gia, các nhà giáo sẽ thẳng thắn “giải phẫu” căn bệnh này, lý giải nguyên nhân và tìm ra những giải pháp trong Hội thảo quốc gia sắp tới tại Đà Nẵng vào tháng 8/2012. Vấn đề quan trọng là sau hội thảo, đã nói thì phải làm chứ đừng “đánh trống bỏ dùi”.
“Thay đổi tư duy”, “thay đổi nhận thức” là những cụm từ thường xuyên xuất hiện đầu tiên trong các đề xuất cải cách, chấn hưng giáo dục. Nói đến “nhận thức” của môn học Lịch Sử , nhiều người trong giới giáo dục đều khẳng định rằng: Cần bắt đầu trong việc chấn chỉnh cách nhìn nhận về vị trí môn Sử trong chức năng giáo dục con người. Đừng coi môn Sử là “môn phụ” và hãy luôn đặt đúng vị trí cho môn Lịch Sử. Nói và làm theo tinh thần đó chính là căn nguyên đầu tiên và quyết định từng bước giúp học sinh không “dốt Sử”, đam mê môn Sử và giỏi Sử.
Trần Trung Hiếu (Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An)

Đọc thêm