Thấy gì từ đề xuất “đa phu” tại Trung Quốc: Các cuộc “khủng hoảng” nhân khẩu trên thế giới

(PLVN) - Chính sách một con của Trung Quốc đã để lại hậu quả khôn lường cho đất nước này khi tỉ lệ giới tính đang mất cân bằng nghiêm trọng. Tính đến năm 2050 sẽ có khoảng 30 triệu đàn ông Trung Quốc không thể lấy vợ. Không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang đối mặt với mất cân bằng cơ cấu dân số. Còn tại Việt Nam, mặc dù không áp dụng chính sách nêu trên nhưng định kiến “trọng nam, khinh nữ” cũng đang dần đẩy nước ta vào “vết xe đổ” của Trung Quốc.
 Trung Quốc đang đối mặt với hiện tượng già hoá dân số.
Trung Quốc đang đối mặt với hiện tượng già hoá dân số.

Nguyên nhân sâu xa đằng sau đề xuất “đa phu”

Mới đây, ông Yew Kwang Ng - Giáo sư kinh tế học tại Đại học Fudan (Thượng Hải) đưa ra một đề xuất “lạ lùng” và ngay lập tức gây tranh cãi: Đó là cho phép phụ nữ có thể lấy nhiều chồng mà hai là con số lý tưởng. Vị Giáo sư này cho biết thêm: “Tôi không phải người khuyến khích chế độ đa phu, tôi chỉ là đang đề xuất rằng chúng ta nên cân nhắc lựa chọn này khi đối mặt với tỷ lệ giới tính mất cân bằng”. 

Chưa bàn về tính đúng sai và vấn đề đạo đức của đề xuất nêu trên, nguyên nhân sâu xa phải kể đến chính sách một con đã được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc từ năm 1982. Theo đó, các cặp vợ chồng ở nước này chỉ nên dừng lại ở 1 con, chỉ ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như: nếu họ là dân tộc thiểu số, sống ở vùng nông thôn, con đầu lòng của họ là con gái, hoặc là con trai nhưng bị dị tật bẩm sinh. Tùy thuộc vào nơi sinh sống, các cặp vợ chồng có thể bị phạt hàng nghìn USD nếu sinh thêm con. Thậm chí những người vợ đang mang bầu đứa con thứ hai còn bị yêu cầu phá bỏ nó. 

Trong suốt hàng chục năm, Trung Quốc đã thực hiện “quá tốt” chính sách này như một phần trong chiến lược kích thích đà tăng trưởng và chất lượng sống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ quả để lại cho xã hội là nạn phân biệt giới tính, nạn phá thai (chủ yếu là bỏ các bé gái sơ sinh), người dân không cảm thấy hạnh phúc, thiếu tự tin, sợ rủi ro…

Năm 1994, Trung Quốc cấm việc sàng lọc giới tính trước khi sinh. Tuy nhiên, với tỷ lệ 118 bé trai trên 100 bé gái được sinh ra hiện nay, Trung Quốc là quốc gia mất cân bằng giới tính lớn nhất thế giới. Đến nay, đất nước 1,4 tỷ dân có 100 triệu người dưới độ tuổi 40 chỉ có 1 con duy nhất. Nhưng do tâm lý muốn có con trai nối dõi, trong độ tuổi có thể kết hôn, ước tính số lượng đàn ông nhiều hơn số lượng phụ nữ khoảng 34 triệu người. 

Chưa dừng ở đó, dân số Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên tới đỉnh là 1,45 tỷ người vào năm 2027 và sau đó giảm trong khoảng thời gian dài. Đến năm 2050, khoảng 1/3 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.

Trong khi đó, phụ nữ Trung Quốc ngày càng lớn tuổi và trì hoãn việc sinh con bởi nhiều lý do. Nếu như vậy, trong vòng những năm tiếp theo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu khi dân số già hoá hoặc trẻ hoá. Số lượng người phụ thuộc cao hơn sẽ tăng thêm gánh nặng cho xã hội, kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ tới.

Do vậy, năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu gỡ bỏ dần chính sách một con, nhưng gần như không có tác dụng gì. Phụ nữ ở nước này ngày càng đuổi theo sự nghiệp thay vì kết hôn và rất nhiều người chỉ muốn có một con để có nguồn lực dành cho những khía cạnh khác của cuộc sống.

Ngày nay, chính quyền Trung Quốc kêu gọi các cặp vợ chồng sinh 2 con là nghĩa vụ và là hành động thể hiện lòng yêu nước; đồng thời cũng đưa ra một số ưu đãi về thuế cùng các khoản hỗ trợ cho các hộ gia đình có con như giảm chi phí giáo dục, tăng thời gian nghỉ sinh, đưa ra các biện pháp giảm tình trạng nạo phá thai hay ly hôn…. 

Chính sách một con của Trung Quốc đã để lại nhiều hệ luỵ
 Chính sách một con của Trung Quốc đã để lại nhiều hệ luỵ

Nhưng tính đến thời điểm này, ảnh hưởng của chính sách một con vẫn quá mạnh mẽ. Tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp, trong khi số đàn ông áp đảo số phụ nữ. Do đó mới có đề xuất “đa phu” cho phụ nữ Trung Quốc như hiện nay, nhằm giải quyết vấn đề thừa đàn ông, đồng thời cho phép những người đàn ông không thể lập được gia đình được “chia sẻ” lượng phụ nữ đang khan hiếm.

Tuy nhiên, ý tưởng của ông Ng bị dư luận phản đối gay gắt, đặc biệt đến từ phụ nữ. Trong khi các phong trào bình đẳng giới nam – nữ đang ngày càng được đẩy mạnh, cư dân mạng chỉ trích đề xuất của vị giáo sư này có thể cổ suý cho vấn nạn mại dâm và nô lệ tình dục, đi ngược lại các giá trị nhân văn trong chế độ một vợ, một chồng. Đồng thời việc nuôi dạy con cái trong những “gia đình” như vậy vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Tỉ lệ sinh giảm mạnh ở nhiều nước

Không chỉ tại Trung Quốc mà nhiều quốc gia trên thế cũng đang đối mặt với cuộc “khủng hoảng” nhân khẩu trong nhiều năm nay. Đơn cử tại Hàn Quốc, với tổng dân số 51,64 triệu người vào năm 2018 (đứng thứ 27 thế giới), tỉ lệ gia tăng dân số chỉ rơi vào mức 0,4%, thấp hơn rất nhiều so với con số bình quân của thế giới là 1,2%. Cùng năm đó, chỉ có 300.000 trẻ sơ sinh ra đời tại Hàn Quốc. 

Nguyên nhân chính là do tình trạng kết hôn và sinh con muộn ở Hàn Quốc hiện nay. Thậm chí, còn xuất hiện thế hệ từ bỏ cả việc hẹn hò, kết hôn và sinh đẻ. Độ tuổi sinh đẻ bình quân của phụ nữ Hàn Quốc là 32,3 tuổi – cao hơn hẳn so với bình quân thế giới là 27,9 tuổi và bình quân tại các nước phát triển là 30 tuổi.

Tỉ lệ sinh giảm sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ đối với đất nước này. Bộ Tuyển dụng và Lao động Hàn Quốc dự báo dân số sẽ giảm 425.000 người trong năm 2025. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động dự kiến giảm từ 73% xuống dưới 50% cho tới năm 2067. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ trì trệ, kinh tế bị thu hẹp, về lâu dài sẽ giảm sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ lực của nước này trên thế giới.

Hàn Quốc đối mặt với nỗi lo già hoá dân số.
Hàn Quốc đối mặt với nỗi lo già hoá dân số. 

Do đó, năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách hỗ trợ sinh đẻ như kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho người cha lên hai năm so với trước đây mà vẫn đảm bảo 80% tiền lương bình thường. Đồng thời, Chính phủ cũng bỏ ra hàng chục tỉ USD mỗi năm nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho những cặp vợ chồng có con, trợ cấp hàng tháng cho trẻ em, tập trung nâng cao chất lượng đời sống cho người dân để họ tập trung phát triển, vun vén gia đình.

Dù vậy, quan điểm sinh sản của phụ nữ Hàn Quốc vẫn được đánh giá là “lười biếng nhất thế giới” hiện nay. Điều này phần nào giải thích cho xu hướng lấy vợ Việt của đàn ông Hàn Quốc, thậm chí là trả tiền cho những đường dây môi giới hôn nhân để lấy được vợ.

Nhật Bản cũng đang “khủng hoảng” nhân khẩu khi dân số liên tục giảm trong 9 năm liên tiếp. Tính đến ngày 1/10/2019, dân số Nhật Bản đã giảm 276.000 người xuống còn 126,17 triệu người, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Trong khi đó, số người mang quốc tịch Nhật Bản giảm tới 487.000 người nhưng số người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản tăng kỷ lục 211.000 người.

Giải thích cho điều này, số người trong độ tuổi từ 15-64, tức độ tuổi lao động, là 75,07 triệu người, chỉ chiếm 59,5% dân số. Đây cũng là tỷ lệ độ tuổi lao động trong cơ cấu dân số thấp kỷ lục của nước này. Chính vì vậy, Nhật Bản phải “mở cửa” hệ thống cấp thị thực để “mời gọi” lao động nước ngoài vào làm việc, bù đắp cho sự thiếu hụt lao động.

Còn tại nước ta, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở của Việt Nam năm 2019 cho thấy Việt Nam vẫn đang trong thời kì cơ cấu dân số vàng, khi mà dân số ở trong độ tuổi lao động vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc. Tuy nhiên, một vấn đề vẫn chưa được cải thiện nhiều là sự mất cân bằng giới tính, nhiều khả năng do sự sàng lọc giới tinh thai nhi, bắt nguồn từ quan niệm “trọng nam, khinh nữ” sâu trong tiềm thức của người dân. 

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ 100 bé gái được sinh ra thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 - 106 bé trai. Còn Việt Nam trong khoảng 20 năm nay, tỷ lệ giới tính khi sinh đã tăng từ khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2000, lên 110,5 bé trai vào năm 2009 và 112,8 vào năm 2015. Tỉ số này không có dấu hiệu giảm mạnh cho tới nay.

Như vậy, ước tính đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi dưới 50. Mặt khác, thế hệ Việt Nam cũng có xu hướng “ngại yêu” và “lười kết hôn”. Quan điểm “phải có sự nghiệp, có nhà cửa trước rồi mới cưới vợ/chồng rồi sinh con” ngày càng phổ biến, khác với quan niệm “an cư lập nghiệp” ngày xưa. 

Nếu không giải quyết triệt để, kịp thời những vấn đề đang hiện hữu trong xã hội, Việt Nam có thể sẽ rơi vào “vòng luẩn quẩn” như nhiều quốc gia đã và đang trải qua: tỉ lệ sinh thấp, dân số giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước trì trệ, kinh tế thu hẹp, tỉ lệ sinh thấp…

Đọc thêm