Nỗi hoang mang, cô độc của những sản phụ vùng tâm dịch Covid-19

(PLVN) - Bên ngoài một phòng chờ của một bệnh viện ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là hàng chục phụ nữ tự mặc đồ bảo hộ tự chế, đeo khẩu trang xếp hàng chờ khám trong sự bất an và lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng.
Nỗi hoang mang, cô độc của những sản phụ vùng tâm dịch Covid-19

Nỗi lo sợ bị bỏ rơi

“Tôi cảm thấy bất an lắm”, cô Vigor Liu, người phụ nữ sống ở Bắc Kinh đang mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng, cho biết khi ngồi chờ suốt 3 tiếng tại bệnh viện. Sau khi thăm khám cho Liu trong 10 phút, bác sĩ khuyên cô: “Đừng đọc tin tức về dịch Covid-19 nữa”. Thời điểm hiện tại, những người phụ nữ mang thai đang rất lo lắng, rằng hệ thống y tế quá tải sẽ bỏ lại họ để đối phó với dịch bệnh tàn khốc đang diễn ra trên cả nước.

Tại các bệnh viện, y bác sĩ khoa sản được tăng cường tới trung tâm ứng phó dịch và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc được chỉ định tiếp nhận điều trị người nhiễm nCoV. Khoa sản tại các bệnh viện, phòng khám tuyến dưới cũng phải tạm thời đóng cửa vì thiếu nhân viên.

Niềm hạnh phúc được làm mẹ hiện diện cùng nỗi lo lắng, hoang mang trong thời bệnh dịch
 Niềm hạnh phúc được làm mẹ hiện diện cùng nỗi lo lắng, hoang mang trong thời bệnh dịch

Nhiều phụ nữ cho biết, sinh con trong thời gian dịch bùng phát là một trải nghiệm cô đơn và đôi khi thật đáng sợ. Việc các bệnh viện dồn sức chống Covid-19 đã khiến nhiều thai phụ gặp khó khăn khi tiếp cận những dịch vụ chăm sóc tiền sản cơ bản ở các cơ sở y tế Trung Quốc.

Nhiều bà mẹ mới sinh không thể tiêm vaccine cho con bởi các tỉnh thành đã đóng cửa toàn bộ phòng khám. Việc thăm khám định kỳ cho trẻ cũng bị trì hoãn. Thậm chí, giới chuyên gia cho hay, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đang đẩy lùi nỗ lực lớn của Trung Quốc trong vài năm gần đây nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con để cải thiện tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tránh nguy cơ về cuộc khủng hoảng dân số.

Rủi ro ngày một lớn

Tại thành phố Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh corona, phụ nữ mang thai lại càng phải đối mặt với những điều đáng sợ. Các bệnh viện công đóng cửa, phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, không ai được phép rời khỏi thành phố vì lệnh phong tỏa...

Nếu không có những tài xế tình nguyện, họ đã không thể đi khám thai định kỳ. Hiện nay ở Vũ Hán đang có một mạng lưới tình nguyện viên tìm kiếm các bệnh viện vẫn còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trước và sau khi sinh. Nhóm tình nguyện, bao gồm tài xế và bác sĩ tâm lý, đang giúp hơn 600 phụ nữ mang thai và người mới sinh trong và xung quanh thành phố, với dịch vụ hỗ trợ 24/24 giờ.

Cô Jane Huang gần đây đã kết nối được với một tình nguyện viên. Người mẹ 40 tuổi này đang mang thai ở tuần thứ 17, nhưng bệnh viện nơi cô đăng ký khám và sinh không còn mở cửa nữa. Cô Jane Huang lo lắng nếu không thể tìm thấy bệnh viện, cô và cả em bé sẽ không thể sống sót vì bệnh huyết áp thấp cộng thêm suy thận.

“Ngày nào tôi cũng lo rằng có khi nào con tôi sẽ chết ngay từ trong bụng. Tôi sợ nếu không sinh sớm, con sẽ không thể sống nổi. Gánh nặng tài chính cũng là điều khiến tôi lo lắng trong trường hợp tôi phải lọc máu hoặc ghép thận. Tôi còn lo lắng liệu có nên sinh con ra nếu con có dị tật hay không. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về vô số điều như thế”, Huang nói qua điện thoại.

Ngoài ra, các sản phụ vẫn khá bối rối vì không biết liệu họ có phải sinh ở bệnh viện dành cho người nhiễm Covid-19 hay không? Hiện tại, khoảng 1.774 bệnh viện Trung Quốc được chỉ định dành riêng cho sản phụ bị nghi nhiễm hoặc đã dương tính với virus corona. Ủy ban Y tế Trung Quốc đã yêu cầu các bệnh viện trên “sắp xếp một cách hợp lý càng sớm càng tốt” cho những phụ nữ khỏe mạnh đã đăng ký sinh. Thế nhưng, chẳng có điều gì đảm bảo, do vậy đây cũng là những nơi phụ nữ mang thai bình thường phải tránh xa.

Một số người cân nhắc bỏ hàng ngàn USD để sinh con trong bệnh viện tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như vậy, những người không có khả năng chỉ biết trông chờ vào các bệnh viện công mà hầu hết đều rơi vào tình trạng thiếu y bác sĩ nghiêm trọng. Trong khi giới chức Trung Quốc vẫn chạy đua kiểm soát dịch, những thông tin về dịch bệnh ngày càng hạn chế, khi nhân viên y tế được yêu cầu không trao đổi với truyền thông và bên cạnh đó, thông tin thiếu minh bạch càng gây sợ hãi. 

Có bằng chứng cho rằng virus corona không truyền từ thai phụ sang con, nhưng việc thiếu thông tin khiến nhiều phụ nữ mang thai ở Trung Quốc thực sự lo sợ. Đầu tháng 2, truyền thông Trung Quốc đưa tin một trẻ sơ sinh ở Vũ Hán dương tính với virus corona. Mẹ bé cũng nhiễm bệnh nhưng chưa rõ cô lây cho con trong quá trình mang thai hay đứa trẻ mắc virus ngay lúc chào đời. Việc sinh nở thời điểm hiện tại gặp rất nhiều rủi ro, bởi ngay cả lúc bình thường, việc chuẩn bị mọi thứ trước sinh cũng là thách thức với nhiều phụ nữ Trung Quốc.

Thời điểm chưa xuất hiện dịch, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc cũng vẫn còn nhiều thiếu sót, các bệnh viện thường xuyên quá tải với chỉ khoảng 1,5 bác sĩ trên mỗi 1.000 dân, chưa bằng một nửa so với Mỹ. “Mọi người bình thường đã rất lo lắng rồi, nhưng nếu mang thai, bạn sẽ có thêm nhiều mối lo hơn”, bà Roberta Lipson, Giám đốc điều hành United Family Healthcare, hệ thống bệnh viện tư nhân tại một số thành phố Trung Quốc nói. Chính vì vậy, giờ đây phụ nữ phải chuyển sang các kênh thông tin không chính thức như nhóm chat hoặc diễn đàn trực tuyến để tìm kiếm lựa chọn và thông tin cập nhật về dịch bệnh.

Một số tìm lời khuyên về lỡ lịch hẹn khám, trong khi một số khác thắc mắc không biết virus có bay qua đường cửa sổ hay không…. Những lời khuyên và mẹo vặt chống dịch được chia sẻ rầm rộ trên Weibo và WeChat, hai nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc. Những người phụ nữ như Liu và Huang hiện đều phụ thuộc vào những “cộng đồng” trên mạng như vậy.

Tuy nhiên, ngay cả những bà mẹ vừa sinh con cũng khó có thể an ủi được những phụ nữ sắp sinh này. Cụ thể nhất là trường hợp của chị Zhang Chong sinh đứa con thứ hai tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh. Cơ sở y tế này rất thiếu người vì một bộ phận nhân viên vẫn mắc kẹt ở quê nhà. Lịch mổ của Zhang bị chậm một ngày. Không thành viên gia đình nào được phép vào phòng đẻ trong và sau ca mổ. Vượt cạn xong, Zhang vào khu phòng bệnh với 40 người khác.

Chỉ có hai y tá cùng hai trợ lý chăm sóc 41 cặp mẹ con. Gia đình Zhang chỉ được phép thăm cô một tiếng mỗi ngày chứ không được cử một người vào chăm sóc như trước. Đêm đầu tiên sau khi sinh, Zhang gần như không thể cử động cơ thể. Con khóc đòi bú song không có ai ở cạnh đỡ đần Zhang. Suốt 4 ngày, Zhang hầu như chỉ có một mình. “Tôi muốn bật khóc đến cả trăm lần mỗi ngày”, cô nói. Còn chồng Zhang, vì muốn ở bên giúp vợ, cố mua chuộc một nhân viên bảo vệ nhưng bất thành

Đọc thêm