Kiên định lập trường: doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc
Từ khi chính quyền Trung Quốc cấm Facebook vào năm 2009, Mark Zuckerberg đã có nhiều chuyến thăm đến đây nhằm mục đích thuyết phục cơ quan quản lí cho phép Facebook hoạt động tại Trung Quốc. Mark còn học cả Mandarin đi dạo bộ trên những con phố Bắc Kinh đầy khói bụi để thể hiện tình yêu với đất nước này. Facebook thậm chí tạo ra một phương tiện cho phép Trung Quốc kiểm duyệt và ngăn chặn nội dung – điều này trái với nguyên tắc thông thường của những mạng xã hội lớn.
Nhưng Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường. Họ không thấy bất kì lợi ích nào khi để môt doanh nghiệp nước ngoài làm chủ ngành công nghiệp công nghệ của họ. Trung Quốc cũng áp lệnh cấm lên Google, Twitter và Netflix và đặt ra một vài rào cản để buộc Uber rút lui.
Những công ty công nghệ của Trung Quốc hiện đang nằm trong nhóm những doanh nghiệp giá trị nhất, và cũng tân tiến nhất trên thế giới. Đối thủ của Facebook là Tencent hồi tháng 11 vừa rồi có vốn hóa thị trường đã vượt mức 500 tỷ đô. Mạng xã hội WeChat của Tencent cũng tích hợp thanh toán hóa đơn, gọi taxi, đặt khách sạn trong khi đang chat với bạn bè – đây là những cải tiến về tính năng vượt xa cả những gì mà Facebook đang có.
Những doanh nghiệp Trung Quốc khác, như Alibaba, Baidu và DJI, cũng đang chạy đua trong lĩnh vực thương mại điện tử và vận tải, trí thông minh nhân tạo và xe tự lái, và công nghệ tưới tiêu không người lái. Những công ty này đang thách thức thung lũng Silicon.
Chủ nghĩa bảo hộ trong thế giới Internet
Chủ nghĩa bảo hộ, tức là ủng hộ nguồn cung hàng hóa và dịch vụ trong nước, mà những nhà kinh tế từ lâu đã lên án được cho là hạn chế cạnh tranh, tạo ra độc quyền, tăng giá, giảm năng suất và sức cạnh tranh. Nhưng đây lại không phải là vấn đề trong thế giới Internet.
Bởi, thông qua Internet, tri thức và ý tưởng sẽ phát tán nhanh chóng. Các doanh nhân trong một quốc gia sẽ nhanh chóng học được những cải tiến và những mô hình kinh doanh của các quốc gia khác rồi nhân rộng lên. Công nghệ đang phát triển theo đường cong hàm mũ, trở nên nhanh hơn, rẻ hơn tới mức mà mọi quốc gia đều có thể mua được. Những công ty công nghệ không chịu đổi mới sẽ gặp rủi ro vì đào thải và những startuop trong nước đang liên tục mở rộng và đe dọa sự tồn tại của họ.
Chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước bằng việc giảm thiểu nỗi sợ với những kẻ săn mồi ngoại tộc – những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp công nghệ. Những chiến binh của thung lũng Silicon công khai ủng hộ sự cần thiết phải xây dựng độc quyền và tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng thông qua rót vốn. Họ tự hào về vị thế của họ ở nền kinh tế toàn cầu trong đó tiền là vũ khí tối cao và kẻ thắng cuộc sẽ được ăn tất.
Còn một thực tế khác đang nghiễm nhiên tồn tại trên thế giới công nghệ, rằng nếu những công ty công nghệ không thể sao chép một công nghệ nào đó, họ sẽ mua luôn đối thủ. Ví dụ như Amazon đã mất tiền và chấp nhận lợi nhuận thấp trong vòng 2 thập kỉ. Nhưng bởi vì nó đã chiếm lĩnh được thị phần và giết chết các đối thủ cạnh tranh, các nhà đầu tư đã thưởng cho Amazon mức giá cổ phiếu rất cao. Vốn hóa tăng, Amazon đã kiếm được nhiều tiền ở mức lãi suất thấp hơn thị trường và sử dụng điều này để tăng thị phần. Uber cũng áp dụng chiến thuật tương tự để kiếm được hàng tỉ đô la và đánh bật các đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thế giới ra khỏi cuộc đua.
“Cửa trên” của các “ông lớn”
Khi không còn những kẻ săn mồi ngáng đường, các công ty công nghệ của Trung Quốc bắt đầu áp dụng công nghệ của thung lũng Silicon và nâng cấp chúng. Khi làm vậy, họ không chỉ sao chép công nghệ, mà còn sao chép cả phong cách của thung lũng Silicon.
Mà sao chép lại không là điều lạ ở thế giới công nghệ, vấn đề là anh có nâng cấp sự sao chép đó lên đẳng cấp mới để nó gắn liền với tên tuổi của anh. Steve Jobs sao chép giao diện window từ Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto để xây dựng nên Macintosh. Năm 1994 ông đã thừa nhận rằng: “Picasso đã từng nói, “Những nghệ sĩ tốt sao chép, những nghệ sĩ vĩ đại sẽ ăn trộm” và chúng ta vẫn cứ luôn cảm thấy xấu hổ vì đã ăn trộm những ý tưởng vĩ đại.”
Apple luôn đi sau trong việc đổi mới để nó có thể học được từ thành công của những người khác. Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm của Apple đều có yếu tố sao chép. Ví dụ, Ipod được phát minh bởi một nhà phát minh người Anh Kane Kramer, iTunes thì được xây dựng dựa trên một công nghệ mua từ Soundjam, và iPhone thì liên tục sao chép công nghệ di động của Samsung (và Samsung cũng làm điều tương tự với Apple).
Cội nguồn của Facebook cũng là từ ý tưởng mà Zuckerberg đã sao chép từ MySpace và Friendster. Facebook đã khuynh đảo thế giới, dù rằng chẳng có gì thay đổi kể từ đó đến nay: Facebook Places giống như Foursquare, Facebook Messenger bắt chước Skype, Facebook Stories là bản clone của Snapchat, và Facebook Live là sự kết hợp những tính năng ấn tượng nhất của Meerkat và Periscope. Facebook cố gắng bắt chước Whatsapp nhưng không dành được thị phần, nên nó đã chi rất nhiều tiền để mua lại công ty này, một lần nữa thực hiện đúng nguyên tắc của thung lũng Silicon là nếu ăn trộm không ăn thua thì sẽ mua lại.
Câu chuyện của các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ Trung Quốc cho thấy, nếu không đổi mới kịp thời, Thung lũng Silicon sẽ mất ngôi trong làng công nghệ, và với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, những câu chuyện tương tự có thể diễn ra ở bất kỳ nước nào.
Phượng Anh (theo Fortune)