Thế hệ trẻ và xu hướng lựa chọn nhà ở kiểu mới

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh 4.0 và tác động của dịch bệnh, nhu cầu tìm kiếm nhà ở của giới trẻ đang góp phần định hình một xu hướng phát triển nhà ở kiểu mới cho thị trường bất động sản.

Trong thế kỷ 21, có hai nhân tố ảnh hưởng cơ bản tới xu hướng phát triển của thị trường bất động sản. Thứ nhất là việc thế hệ millennials (những người sinh năm 1981 - 2000) trở thành nguồn cung nhân lực chính của thế giới và điểm kế tiếp là xu hướng chuyển dịch của thế hệ này tới sinh sống tại các đô thị.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều người suy nghĩ lại về cách sống hàng ngày. Những thói quen đã thay đổi, các công sở làm việc từ xa và con người ở nhà thường xuyên hơn bao giờ hết nên nhu cầu mua nhà cũng tăng lên với các tiêu chí khắt khe hơn.

Việc người trẻ ưa thích sống tại các thành phố đã kéo theo nguồn đầu tư lớn trong xây dựng khu đô thị, bao gồm cả những đô thị vệ tinh. Thành phố Raleigh, Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Trước kia, hiếm có ai muốn sống tại thành phố phía Bắc Carolina này, tuy nhiên giờ đây khu vực này đã trở thành một đô thị đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ, chứng tỏ xu hướng sống, làm việc và giải trí tại những địa điểm gần của người trẻ.

Điều này cũng được phản ánh rõ ràng tại thị trường Việt Nam, khi mà các đô thị vệ tinh đang dần được thị trường quan tâm nhiều hơn. Lý giải cho tình hình này, giới chuyên gia đã chỉ ra rằng do số lượng người ngoại tỉnh cũng như sinh viên mới ra trường thường có nhu cầu bám trụ các thành phố lớn, khiến mật độ dân số gia tăng, dẫn đến tình hình giao thông trở nên ngày một khó khăn. Trong bối cảnh giao thông đô thị còn nhiều bất cập, khách hàng trẻ luôn đánh giá cao một ngôi nhà có đầy đủ công năng, thuận lợi di chuyển tới những tiện ích nội ngoại khu và hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, công viên hay hệ thống giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh sống, học tập, làm việc, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe của gia đình.

Thế nhưng, có một câu hỏi đang được thị trường đặt ra là liệu rằng trong tương lai thế hệ này có lặp lại những gì mà thế hệ đi trước đã trải qua, liệu họ sẽ chuyển về các vùng ngoại ô xa hơn, xa rời vùng đô thị sau khi lập gia đình để đến với nơi nhà ở có diện tích lớn hơn và học phí chi trả cũng thấp hơn?

Chi phí cho hệ thống giáo dục tư thục tại những thành phố chính có thể cực kỳ tốn kém. Tuy nhiên, tại thời điểm này, câu hỏi đó vẫn còn đang được bỏ ngỏ cho tương lai bởi những người trẻ của thế hệ Millenials có thể mới bắt đầu có con, hoặc chỉ mới lập gia đình, bởi vậy nên vẫn còn khá sớm để họ phải cân nhắc với vấn đề này.

Việc người trẻ ưa thích sống tại các thành phố đã kéo theo nguồn đầu tư lớn trong xây dựng khu đô thị, bao gồm cả những đô thị vệ tinh (Ảnh minh hoạ)

Mặt khác, thị trường Việt Nam lại đang có xu hướng trái ngược, nghĩa là người dân tại Việt Nam đang dần rũ bỏ thói quen sinh sống tại trung tâm thành phố để dịch chuyển về các đô thị ngoại ô. Hiện tượng này được nhận định là do các thành phố lớn đang duy trì một quỹ đất khá hạn hẹp, khó để có thể phát triển thêm được những dự án mới. Nếu có thì chi phí đầu tư sẽ rất lớn do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao. Điều này tạo ra phản ứng cẩn trọng và dè dặt hơn từ các chủ đầu tư với việc xây dựng các dự án nội đô. Thay vào đó họ lại mạnh tay hơn đầu tư các đô thị vệ tinh ven đô.

Đặc biệt, với những người trẻ hiện nay được trang bị đầy đủ kiến thức, họ hiểu được các khái niệm cũng như các vị trí nhà ở có thể đảm bảo được các nhu cầu của cuộc sống như sức khỏe và môi trường sinh hoạt không chỉ cho người lớn mà còn cho cả trẻ em, con cái. Bởi lẽ đó nên ngày nay, phát triển hệ thống sinh thái đô thị rất quan trọng. Đặc biệt tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam, nơi mà mức độ ô nhiễm không khí đang trở nên đáng báo động, thì yếu tố môi trường lại càng nên được đặt lên hàng đầu. Điều này đã trở thành động lực thúc đẩy các chủ đầu tư chú trọng xây dựng các mảng “xanh” cho dự án.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, các công ty khởi nghiệp cũng có thể sẽ chọn làm việc tại nhà lâu dài, cùng với tỷ lệ người làm nghề tự do và những người làm việc trong nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn như IT, thiết kế, phim ảnh, dịch thuật cũng tăng lên đáng kể. Điều này có nghĩa là ngày càng nhiều người sử dụng nhà của mình làm văn phòng.

Theo báo cáo của JLL, nhiều tập đoàn lớn cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch làm việc tại nhà lâu dài cho nhiều nhóm nhân viên không cần sự tương tác nhiều tại văn phòng. Các doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư vào các nền tảng công nghệ cho nhân viên nhiều hơn bao giờ hết để tiếp tục sự tương tác và kết nối thông qua video và tin nhắn như Microsoft Teams, Skype for Business hoặc Zoom. Bên cạnh đó là các nền tảng lưu trữ, hỗ trợ nhân viên truy cập vào dữ liệu công ty từ xa mà vẫn đảm bảo không có các rủi ro bảo mật.

“Xu hướng làm việc tại nhà thực sự đã diễn ra trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, và đại dịch là một cú hích vô cùng lớn cho làn sóng làm việc tại nhà diễn ra trên diện rộng toàn cầu. Kể từ thời điểm dịch bệnh bùng nổ, việc thiết kế thêm một góc làm việc trong nhà cho mọi người là điều không thể thiếu. Theo đó, một ý tưởng tuyệt vời cho chủ đầu tư bất động sản nhà ở tại Việt Nam là thực hiện những mô hình căn hộ mới dành cho đối tượng millennials” bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định.

Nói tóm lại, trên thế giới, nhu cầu lựa chọn không gian sinh sống và làm việc tại các đô thị của giới trẻ đã và đang dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Việc các chủ đầu tư nắm bắt xu hướng, nhìn nhận nhu cầu và đặc điểm của đối tượng khách hàng này sẽ giúp họ đưa ra thị trường những sản phẩm nhà ở phù hợp, dễ thanh khoản.

Đọc thêm