Thêm nhiều chế độ hỗ trợ nạn nhân mua bán người

(PLVN) -Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó có nhiều quy định đáng chú ý về chính sách hỗ trợ nạn nhân.

Ngày 11/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nghị định đã cụ thể hóa các quy định của Luật về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ đối với nạn nhân, đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân. Các quy định này đã xác lập một cơ chế toàn diện để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trên cơ sở đặc điểm và những nhu cầu riêng của từng nhóm đối tượng nạn nhân.

Tuy nhiên, qua hơn 07 năm thi hành, bên cạnh các kết quả đạt được thì việc thực hiện quy định của Nghị định số 09/2013/NĐ-CP cũng còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt, đối với việc thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân. Cụ thể, Nghị định hiện hành chưa quy định cụ thể chính sách, dịch vụ hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn do đó dẫn đến việc thực hiện chồng chéo hoặc không thực hiện được. 

Nghị định chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. 

Về chế độ hỗ trợ y tế, các nạn nhân chủ yếu được khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở, thậm chí, chưa có quy định hỗ trợ mai táng đối với nạn nhân bị chết trong thời gian lưu trú.

Trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân để ổn định cuộc sống cũng khó thực hiện do yêu cầu nạn nhân phải là hộ nghèo. Nhưng do nạn nhân đi lâu năm không có mặt ở địa phương, không có đăng ký hộ khẩu nên khó có thể xác định là đối tượng thuộc hộ nghèo. Vì vậy, không thuộc đối tượng được hỗ trợ khó khăn ban đầu. Việc hỗ trợ học nghề chưa hiệu quả do hầu hết nạn nhân trở về muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Việc hỗ trợ kinh phí theo quy định để nạn nhân tự học nghề cũng không khả thi do mức hỗ trợ không đủ, nạn nhân không có thêm tiền bù vào để học.

Việc hỗ trợ vay vốn là nội dung thực hiện được ít nhất trong số các nội dung hỗ trợ. Những khó khăn bao gồm nạn nhân không có các tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch và phương án sản xuất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng quy định theo các giai đoạn hỗ trợ và tương ứng với từng giai đoạn nạn nhân được hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ phù hợp, cụ thể: hỗ trợ ban đầu; hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập, theo đó, đối với từng nhóm chế độ hỗ trợ, sẽ tách và quy định rõ đối tượng; thẩm quyền thực hiện hỗ trợ; chính sách và dịch vụ hỗ trợ và trình tự thực hiện hỗ trợ. 

Về đối tượng hỗ trợ, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số đối tượng cho phù hợp với thực tiễn hiện nay phát sinh trong quá trình thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, như: người trong thời gian chờ xác minh; người nước ngoài bị mua bán trao trả qua Việt Nam; người chưa thành niên đi cùng nạn nhân và sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ. 

So với Nghị định số 09/2013/NĐ-CP hiện hành, dự thảo Nghị định bổ sung một số chế độ hỗ trợ: Hỗ trợ y tế và tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng, Hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ đưa nạn nhân về nơi cư trú, Hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân là người nước ngoài trở về nước và chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến xe để về nơi cư trú, Hỗ trợ chi phí thuê phiên dịch đối với nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp cận, xác minh, xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân, Trợ cấp khó khăn ban đầu, Hỗ trợ  sửa chữa nhà ở đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khóa khăn có nhà ở bị hư hỏng… 

Đồng thời, sửa đổi một số quy định về điều kiện của các đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ về học phí, chi phí học tập, hỗ trợ tiền trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ học nghề, nhà ở. 

Đọc thêm