Theo dấu hành trình cách mạng của Bác Hồ qua bưu ảnh và tem

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua bưu ảnh và những con tem quý giá của nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc, người xem dường như bước vào một cuộc hành trình theo dấu chân Bác từ những ngày Bác còn niên thiếu cho đến trưởng thành, ra hải ngoại, làm cách mạng, lãnh đạo đất nước. Dường như những trang sử hào hùng cũng được mở ra từ những bức ảnh và con tem bé nhỏ.
Người dân đến tham quan triển lãm “Hành trình theo chân Bác Hồ qua bưu ảnh”.
Người dân đến tham quan triển lãm “Hành trình theo chân Bác Hồ qua bưu ảnh”.

Theo bước chân Bác qua bưu ảnh

Những ngày qua, tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc triển lãm “Hành trình theo chân Bác Hồ qua bưu ảnh” (diễn ra từ ngày 10 - 20/5). Triển lãm giới thiệu nhiều bưu ảnh quý giá về những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tem Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tem TP Hồ Chí Minh thực hiện.

Tham quan triển lãm, người xem thích thú khi được thưởng ngoạn Bộ sưu tập bao gồm 149 trang, được thiết kế thành 12 khung tiêu chuẩn, khắc họa những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bố cục bưu ảnh chia rõ từng giai đoạn trong cuộc đời Bác: Thời niên thiếu của Bác, Hành trình Bác ra đi tìm đường cứu nước, Nhà hoạt động của Quốc tế Cộng sản, Thành lập Đảng Cộng sản và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ lãnh đạo Nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế.

Những bức bưu ảnh có giá trị lịch sử - tư liệu quý báu tại triển lãm. (Ảnh: Ngọc Mai)

Những bức bưu ảnh có giá trị lịch sử - tư liệu quý báu tại triển lãm. (Ảnh: Ngọc Mai)

Bộ bưu ảnh do Việt Nam và các nước phát hành. Có những bưu ảnh từ các thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới mà Bác đã từng ghé qua, từng sống và làm việc. Cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày cả những mẫu bưu ảnh về các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong nước và quốc tế mà Bác Hồ đã cùng hoạt động cách mạng.

Bộ sưu tập được trưng bày trong một căn phòng không lớn tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, nhưng để xem được hết thì phải mất khá nhiều thời gian. Có thể nói, đó là bộ tư liệu về Bác qua ảnh rất quý giá, chứa nhiều thông tin hay, sinh động. Trong phần “Bác Hồ trong những năm kháng chiến chống Pháp”, người xem có thể bắt gặp bức ảnh Bác đang ngồi cạnh bàn giấy, nghiên cứu và vạch ra đường lối kháng chiến ở Bắc Kạn năm 1949, ảnh một bữa cơm dọc đường công tác của Bác ở Tuyên Quang tháng 5 năm 1954, khi ấy, Người giản dị ngồi bên vệ đường, như một anh bộ đội chân phương.

Trong phần “Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân xây dựng CNXH ở miền Bắc và trong kháng chiến chống Mỹ”, người xem sẽ được thấy những bức bưu ảnh quý báu khi Bác đi thăm nông dân ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Bắc Ninh năm 1954, Người ăn mặc như một lão nông chính hiệu chuyện trò với bà con nông dân. Hay ảnh Bác xem đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội tháng 11 năm 1959. Ở phần “Bác Hồ trong mắt bạn bè quốc tế”, người xem có thể thấy được những nụ cười rạng rỡ của Bác khi Bác ngồi trước ngôi nhà của đại thi hào Tagore trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, khi Bác thăm Thủ đô Warsava (Ba Lan) năm 1957, hay khi Bác trong trang phục truyền thống Mông Cổ lúc sang thăm nước bạn vào năm 1955...

Qua những bức ảnh có đen trắng, có phục chế màu, cuộc đời, hành trình cách mạng của Người hiển hiện trước mắt, chân thật, sâu sắc đến cảm động. Bạn Nguyễn Như Lan, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em cùng bạn bè đến xem triển lãm cảm thấy rất vui vì trước giờ mình chỉ được biết về Bác qua sách báo, nay xem kĩ từng bức ảnh, có rất nhiều bức lạ chưa xuất hiện trên báo chí bao giờ. Mỗi một phần của triển lãm lại là một câu chuyện riêng về cuộc đời Bác, ghép lại thì ra một bức tranh tổng thể rất đồ sộ về thông tin làm em thấy choáng ngợp. Cảm giác như em đang được theo dấu chân Bác qua từng hành trình, từng giai đoạn, chứng kiến cuộc đời cách mạng, vì dân, vì nước của Người”.

Hành trình tôn vinh và tưởng nhớ Hồ Chủ tịch

Những con tem quý trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc được trưng bày tại triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh” năm 2023. (Nguồn: Bộ VH,TT&DL)

Những con tem quý trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc được trưng bày tại triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh” năm 2023. (Nguồn: Bộ VH,TT&DL)

Tháng 8 năm 2023, nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc cũng đã ra mắt cuộc triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh”. Cuộc triển lãm do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân khi bộ sưu tập tem bưu chính đồ sộ về Bác Hồ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Bộ sưu tập tem khi ấy cũng được sắp xếp theo các chuyên đề tổng hợp đa dạng, bao gồm nhiều mẫu tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Việt Nam và các nước phát hành, những phong bì thư thực hiện từ những năm đầu thế kỷ XX, bưu ảnh các thành phố của các nước trên thế giới mà Bác Hồ đã sống, hoạt động cách mạng hoặc đi qua.

Theo nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc chia sẻ với truyền thông, bắt đầu chơi tem từ năm 12 tuổi, khi còn là cậu học sinh Trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Đến nay, ông có nhiều bộ sưu tập tem chuyên đề khác nhau tham dự triển lãm trong và ngoài nước. Riêng về bộ sưu tập chuyên đề Bác Hồ ông đã ấp ủ từ lâu với mong muốn thực hiện một cuộc hành trình theo dấu chân của Bác Hồ qua các nước với tem thư, bưu ảnh về những địa danh nơi Bác đã đến, làm việc, học tập và hoạt động cách mạng.

Tuy nhiên, hành trình sưu tầm cũng không hề dễ dàng. Bởi vật phẩm tản mạn khắp nơi, tư liệu cũng chưa có đủ. Theo nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc, quy tắc thực hiện chuyên đề sưu khảo là chỉ sử dụng những bưu ảnh chính thức được các nước phát hành, tuy nhiên, vào những năm trước 1900 cho đến thập niên 1930, bưu ảnh xuất bản chưa nhiều nên rất khó tìm những bưu ảnh phù hợp chủ đề, đặc biệt, những bưu ảnh có hình ảnh Bác Hồ lại càng không có.

Tấm bưu ảnh đầu tiên trên thế giới có hình ảnh chân dung Bác do Cộng hòa dân chủ Đức phát hành vào năm 1952. Sau năm 1954, những bưu ảnh về Hồ Chủ tịch mới được phát hành. Trong quá trình sưu tầm, ông đều cố gắng tìm những tem, bưu ảnh đã từng gửi thực, có dấu nhật ấn của địa phương cùng năm gắn với sự kiện. Như vậy, những bưu ảnh ấy mới sống động hơn, mang tính chân thật của hành trình hơn. Chính bởi thế, độ khó của việc sưu tầm càng cao hơn và bộ sưu tập càng có giá trị về mặt lịch sử.

Với sự hỗ trợ của Hội Tem Việt Nam cùng những nhà sưu tầm tem trong và ngoài nước, ông Lộc đã nỗ lực thực hiện công trình sưu tập gồm 144 trang tem khổ A4 trong khoảng thời gian 6 tháng. Ông Lộc chia sẻ: “Cuối năm 1999, tôi có ý tưởng viết thư cho tất cả bưu cục trên thế giới, xin họ đóng con dấu thư đến là năm 1999, thư gửi về lại cho tôi đóng dấu năm 2000. Như vậy, tôi có bì thư được gửi từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác. Nhiều bạn bè phản đối vì chưa rõ ý tưởng của tôi nhưng bố tôi lại ủng hộ, làm cùng. Tôi và bố gửi thư cho gần 200 bưu cục, nhận được hơn 150 lá gửi về”.

Để tiến hành sưu tập, ông Nguyễn Đại Hùng Lộc cũng đã thực hiện một cuộc hành trình theo chân Bác từ làng Kim Liên đến Huế, Phan Thiết, Bến cảng Nhà Rồng… Ông dành nhiều thời gian tìm hiểu về những danh nhân văn hóa, nhà chính trị thế giới mà Bác đã từng gặp, những sự kiện quan trọng của quốc tế mà Người đã để lại dấu ấn lịch sử.

Nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc đã chia sẻ rằng, ông thực hiện bộ sưu tập tem, bưu ảnh này như là một việc làm để tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, bản thân ông cũng đã có cơ hội tìm hiểu kỹ, sâu sắc hơn về lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc đời, sự nghiệp của Bác, cũng như những di sản tinh thần to lớn mà Người để lại cho Nhân dân Việt Nam và nhân loại.

Đọc thêm