Ngang nhiên như chốn không người
Nhiều ngày qua, nhờ ông N. – một người dân ở Thượng Hóa thạo địa bàn dẫn đường, phóng viên Báo PLVN đã tiếp cận được vùng rừng nham nhở do “lâm tặc” triệt hạ cây lấy gỗ.
Vùng rừng cộng đồng ở bản Phú Minh (xã Thượng Hóa) nối từ chân đèo Đá Đẽo trên đường Hồ Chí Minh xuống bản rộng đến hơn 803ha. Từ đường mòn nhìn vào có vẻ yên ắng, nhưng cắt rừng băng vào trong chỉ khoảng 40m, chúng tôi gặp ngay một gốc gỗ táu bị cắt hạ sát đất, cành ngọn nằm chỏng chơ.
Theo vết dấu cưa xẻ còn in trên gốc và mạt cưa rơi vãi, ông N. nhận định gốc táu này mới bị “lâm tặc” triệt hạ cách đây chưa đầy một tháng. Đường kính gốc khoảng 60-70cm, xung quanh là những cây nhỏ bị “lâm tặc” phát rạp xuống để cưa xẻ gỗ dễ dàng hơn, để lộ ra cả một khoảng rừng trống huơ trống hoác.
Mới thâm nhập qua một phần nhỏ vùng rừng nhưng chúng tôi đã ghi nhận hơn 20 gốc gỗ như táu, sú, ràng ràng, trơơng, quao, muồng… bị đốn hạ không thương tiếc. “Lâm tặc” cưa đổ cây rồi cắt xẻ thành từng phần, thanh gỗ tốt vuông, dài và vận chuyển đi. Những phần ngọn, phần vỏ bên ngoài được bỏ lại giữa rừng nằm ngổn ngang. Nhiều dấu cưa rất mới cho thấy việc khai thác chỉ diễn ra trong khoảng chục ngày trở lại.
Cách gốc táu sát đường Hồ Chí Minh khoảng 200m về phía Đông Nam, trên đường mòn xuống thung lũng nhỏ là một gốc sú có đường kính khoảng 1,2m cũng bị triệt hạ. Khi bị cưa đổ, thân và ngọn cây sú này đè xuống làm nát cả một vạt rừng rộng tầm 50m2. Khung cảnh giống như một công trường khai thác gỗ với đầy vỏ gói lương khô, chai nhựa đựng nước vứt bữa bãi…
|
Một cây trơơng trong Hung Trâu bị khai thác trái phép ngay bên đường vào bản Ón |
Theo ông N., với gốc cây này, chỉ một máy cưa chạy xăng và khoảng 4-5 người thay nhau cưa xẻ chừng nửa đêm là khai thác xong. Công việc thường được thực hiện vào ban đêm. Cắt xẻ xong, “lâm tặc” sẽ dùng điện thoại di động “điều” xe (thường là xe khách loại 12 chỗ đã cũ, được tháo hết ghế ngồi phía sau) từ trung tâm xã Thượng Hóa theo đường Hồ Chí Minh lên chờ bên bìa rừng.
Gỗ được gùi ra rất nhanh và chất lên xe, chạy một mạch về hướng thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) để tiêu thụ. Đây là con đường độc đạo, muốn đưa gỗ ra khỏi xã Thượng Hóa phải đi qua các Trạm Biên phòng, Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa)… “Khu vực rừng cộng đồng này sắp bị phá nát rồi…” – ông N. ngán ngẩm than khi bắt gặp thêm một cây gỗ táu nữa bị triệt hạ.
Được biết, hơn 803ha rừng cộng đồng này do Ban Quản lý Rừng cộng đồng bản Phú Minh trực tiếp quản lý, bảo vệ. Đây là vùng rừng nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng gỗ. Ban Quản lý này được lập ra trên cơ sở nhân sự là 32 hộ dân của bản Phú Minh, có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát rừng định kỳ, thường xuyên. Đây là cách quản lý, bảo vệ rừng do Dự án Bảo tồn và Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tài trợ vốn cho chính người dân thực hiện.
Tuy nhiên, hiện cả vùng rừng rộng lớn này vẫn đang bị “chảy máu”. Gỗ từ rừng vẫn lọt ra ngoài khá dễ dàng dù có Ban Quản lý và các trạm kiểm tra ở ngay gần.
|
Những “công trường” xẻ gỗ ngay trong rừng Hung Trâu |
Rời vùng rừng cộng đồng bản Phú Minh, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh theo hướng Tây và rẽ vào bản Ón (xã Thượng Hóa) để vào khu vực Hung Trâu do UBND xã Thượng Hóa quản lý. Tại đây, rừng còn bị tàn phá ngang nhiên và nghiêm trọng hơn. Nhiều gốc táu, trơơng, muồng bị triệt hạ ngay bên vệ đường. Giữa rừng, hàng chục gốc gỗ đường kính từ 50cm đến cả mét ngổn ngang, vết cưa cũ, mới khác nhau.
Trưa 14/5, vừa đặt chân vào sâu trong Hung Trâu, chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa xăng gầm rú vang cả một góc rừng. Biết “lâm tặc” đang khai thác gỗ trái phép, ông N. ra hiệu chúng tôi im lặng, trèo qua các mỏm đá vôi thật nhẹ nhàng để tránh bị phát hiện. Sau khoảng 30 phút lách trèo giữa đá vôi và rừng rậm, chúng tôi ở cách nhóm khai thác gỗ khoảng 20m, nhưng mỏm đá vôi cao và cây rừng che khuất nên chưa thể ghi lại được hình ảnh người cưa gỗ, chỉ thấy một ngọn cây sú to, ngã đè lên nhiều cây khác.
Tiến thêm khoảng 5m, một người trong chúng tôi bất cẩn làm rớt một tảng đá nhỏ trượt xuống hố. Tiếng động vừa phát ra thì tiếng cưa cũng ngừng bặt. Tiếng 3 - 4 người hỏi vọng lên: “Ai đó! Ai…”, “Làm chi trên đó”…
Trước đó, người dẫn đường đã cảnh báo rằng, “lâm tặc” ở khu vực rừng Phú Minh và Hung Trâu đều là người địa phương, rất ranh ma và liều lĩnh. Họ có thể đe dọa và phá các phương tiện tác nghiệp nếu phát hiện người lạ đang theo dõi. Nhóm khai thác gỗ không hề e dè, lén lút, “nghe động” còn lớn tiếng truy vấn. Ông N. ra hiệu chúng tôi phải lùi lại, vừa nấp vào hốc đá xong, một người đàn ông thuộc nhóm khai thác gỗ từ phía cây sú đổ vụt ra hỏi: “Đi lên đây làm chi?”. Ông N. trước đó đã cầm một nắm cây rừng trên tay nhanh miệng nói: “Đi tìm cây thuốc về chữa bệnh cho con”. Ông nhận ra người vừa hỏi là Chiến, ở xã Thượng Hóa. Chiến không biết ông N., nhìn chằm chằm vẻ nghi ngờ, soi mói một hồi lâu mới quay lại nơi khai thác.
Thấy tình hình đã êm, ông N. nói to: “Các anh làm nghe, tui đi tìm chỗ khác…” để dò xét. Khi nghe được tiếng trả lời đanh gọn: “Ừ!”, người dẫn đường mới ra hiệu cho chúng tôi ra khỏi chỗ ẩn nấp, rút về phía ngoài. Tiếng máy cưa lại gầm rú giữa núi rừng…
Ông N. cho biết, nơi khai thác gỗ này chỉ cách Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa khoảng 400m. Tiếng cưa lớn như thế này, ở khoảng cách gần như thế chắc cũng nghe thấy.
|
Gỗ bị chặt phá ngổn ngang, “lâm tặc” thì ngang nhiên hoạt động, nhưng trả lời về tình trạng quản lý và bảo vệ trừng ở Phú Minh và Hung Trâu, ông Cao Thanh Biên – Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa nói chắc nịch: “Hàng năm UBND xã đều ra các công văn, chỉ thị về các thôn bản để tuyên truyền, vận động bảo vệ rừng. Tại xã hiện có rất nhiều lực lượng khác cùng phối hợp bảo vệ rừng như Kiểm lâm, Biên phòng, Công an… nên việc bảo vệ, quản lý rừng ở các nơi này thực hiện nghiêm túc lắm. Nếu chúng tôi phát hiện việc khai thác lâm sản trái phép là bắt, thu ngay và xử lý nghiêm minh, nhưng đến nay chưa phát hiện vụ việc nào nghiêm trọng. Việc khai thác ồ ạt là không có đâu, chỉ một số người dân trong địa bàn lén lút và lẻ tẻ lấy gỗ về làm cái tủ, chiếc giường, bộ cửa nhỏ dùng trong gia đình”.
Trước phản ánh của phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Duẩn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình ngạc nhiên cho hay, ông chưa biết về tình trạng phá rừng ở Thượng Hóa. Cơ sở chỉ báo cáo lên là “rừng núi đá trung bình có một số cây bị đổ gãy do lụt bão, người dân cắt về tận dụng làm hàng rào”.
Còn ông Trần Mạnh Luật – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa khẳng định: “Sẽ khẩn trương chỉ đạo lực lượng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa xác minh, nếu có tình trạng nói trên sẽ cùng phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn Thượng Hóa triển khai ngay các biện pháp truy quét, bảo vệ và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm”.
Rừng Phú Minh và Hung Trâu là những vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Nếu tình trạng khai thác lậu này không được ngăn chặn kịp thời, “lâm tặc” sẽ xẻ nát vùng đệm, tràn vào địa phận Vườn Quốc gia thì tình hình còn nghiêm trọng hơn, vì diện tích rừng nguyên sinh ở đây rộng lớn và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ.