Cần xử lý nghiêm vụ "lâm tặc lộng hành ở Lạc Dương"

(PLO) - Sau khi đăng bài viết về tình trạng lâm tặc lộng hành một cách khó hiểu ở Lạc Dương (Lâm Đồng), báo Pháp luật Việt Nam nhận được khá nhiều đơn thư, ý kiến bạn đọc đề nghị bày tỏ bức xúc, cần được nghe tiếng nói của cơ quan chức trách về vấn đề này.
Cần xử lý nghiêm vụ "lâm tặc lộng hành ở Lạc Dương"
Yêu cầu xử nghiêm
UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, chính quyền tỉnh đã có Văn bản số 5708 gửi Sở NN&PTNT, Công an (CA) tỉnh, UBND huyện Lạc Dương.
Trước mắt, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương trực tiếp chỉ đạo CA huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm (KL) và các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng hủy hoại cây rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, chống người thi hành công vụ (đặc biệt là các đối tượng cầm đầu và các đối tượng khác có liên quan) để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền xã Đạ Sar và các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với lực lượng CA và KL trong việc điều tra, làm rõ và xử lý các đối tượng trong vụ việc nêu trên; thành lập Đoàn công tác liên ngành của huyện tổ chức giải tỏa dứt điểm trước ngày 30/10/2013 diện tích đất đã bị người dân lấn chiếm trái phép để giao lại cho Cty Thành Phong thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Đề nghị CA tỉnh chỉ đạo kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện của CA huyện Lạc Dương đối với vụ việc nêu trên, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức trách báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/10/2013 để có ý kiến chỉ đạo tiếp.
Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Đỗ Quý Uy cũng đã có Văn bản số 865 gửi UBND huyện Lạc Dương và CA huyện yêu cầu thực hiện những nội dung đã được chỉ đạo tại Văn bản số 5708 của UBND tỉnh và Kết luận số 229 của Ban Thường vụ Huyện ủy về điều tra, xử lý nội dung liên quan đến hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng, gây rối trật tự, xâm hại sức khỏe người khác.
Đối với đơn yêu cầu khởi tố vụ án của bà Võ Thị Nhạn, đề nghị CA huyện hướng dẫn bà Nhạn thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, tiến hành điều tra xác minh và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Duy Hải đã ra văn bản số 1158 giao CA huyện chủ trì, phối hợp với Hạt KL Lạc Dương, Ban Quản lý rừng Đa Nhim, UBND xã Đạ Sar và Cty Thành Phong khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng chống lực lượng giải tỏa của huyện đang thực hiện nhiệm vụ, cụ thể là vợ chồng ông Sáu, bà Hoa, ông Hỏa Văn Định và các đối tượng khác, mặt khác, đấu tranh làm rõ đối với khối lượng gỗ 1.549m3 dùng để bờ ta luy và 8 gốc thông 3 lá còn lại trên diện tích đã giải tỏa và chưa giải tỏa của ông Sáu, bà Hoa để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Công an huyện: “Không cấu thành tội chống người thi hành công vụ”!
Tuy nhiên, ngày 26/9/2013 Phó Trưởng CA huyện Lạc Dương - Thượng tá Phạm Phú Ty - ra Văn bản số 556: “Việc Cty Thành Phong giải tỏa không có kế hoạch giải tỏa trình UBND huyện phê duyệt, không làm việc thông báo trước cho đối tượng bị giải tỏa, vì vậy hành vi xô xát của vợ chồng Sáu, Hoa với số người giải tỏa sáng 12/9/2013 không cấu thành tội chống người thi hành công vụ”(?!)
Trong khi đó, tại Báo cáo số 114 ngày 19/9/2013 của Hạt KL Lạc Dương nêu rõ: “Ngày 12/9/2013, vào lúc 7 giờ 45 phút, Cty Thành Phong phối hợp với Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Đarahoa thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn  Đa Nhim, KL địa bàn xã Đạ Sar, lâm phần do Cty Thành Phong quản lý, trong quá trình đang thực hiện công tác giải tỏa có 2 người đến nói là người làm thuê trông coi vườn và gọi điện báo cho chủ vườn biết; đến khoảng 9 giờ 50 phút có khoảng 9 người, trong đó có một phụ nữ, mỗi người đều mang theo hung khí gồm gậy tầm vông, dao, ống tuýp sắt, búa… kéo đến ngăn cản, chống đối không cho đoàn thực hiện công tác giải tỏa và đã xảy ra xô xát.
Cụ thể, các đối tượng đã xô ngã và dùng cây đánh bà Võ Thị Nhạn - Giám đốc Cty Thành Phong, ông Lê Trần Phong - Phó Giám đốc Cty Thành Phong và rượt đuổi lực lượng tổ chức giải tỏa cho Cty, hành hung lực lượng hỗ trợ giải tỏa gây chấn thương nhẹ.
Ông Thuận KL địa bàn bị đánh vào chân trái, ông Hào bị chảy máu ngón cái của tay phải do bị gậy tầm vong đánh vào người. Cán bộ Trạm QLBVR Đarahoa Đinh Xuân Phương bị đánh vào người bằng gậy tầm vông. Cty Thành Phong ông Lê Trần Phong và bà Võ Thị Nhạn bị đánh bằng gậy tầm vông, bà Nhạn bị xô ngã. Sau khi vụ việc xảy ra, Cty Thành Phong đã gọi điện thoại báo cho CA huyện vào giải quyết vụ việc”.
Theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ đây, dư luận tiếp tục đặt vấn đề có hay không việc “bảo kê” cho “lâm tặc” hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng và chống người thi hành công vụ? Vì sao không khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự?

Đọc thêm