Theo dõi thi hành pháp luật: “Quên” giao nhiệm vụ cho cấp huyện

 Cách đây hơn một năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Thông tư 03 là cơ sở pháp lý ban đầu và chủ yếu, hướng dẫn cụ thể về nội dung, cơ chế, cách thức cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi, đánh giá, báo cáo tình hình thi hành pháp luật với tư cách là một nhiệm vụ thường xuyên một cách kịp thời và thống nhất.

Cách đây hơn một năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Thông tư 03 là cơ sở pháp lý ban đầu và chủ yếu, hướng dẫn cụ thể về nội dung, cơ chế, cách thức cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi, đánh giá, báo cáo tình hình thi hành pháp luật với tư cách là một nhiệm vụ thường xuyên một cách kịp thời và thống nhất.

Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi chung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật trong cả nước. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành có trách nhiệm giúp thủ trưởng các bộ, ngành; sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác theo dõi, đánh giá, xây dựng báo cáo về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực và phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương và gửi Bộ Tư pháp.

Triển khai Thông tư 03, nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật ở mỗi tỉnh được giao cho phòng chuyên môn khác nhau. Có tỉnh giao cho Phòng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, có tỉnh giao cho Phòng Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có tỉnh thì giao cho Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật hay có tỉnh giao cho Phòng Xây dựng và Thi hành pháp luật…, tạo ra một sự không thống nhất về cơ cấu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, qua thực tế còn phát hiện ra rằng Thông tư 03 lại chưa có quy định điều chỉnh nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật ở… cấp huyện. Trong khi đối với địa phương, để thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, nhất là khi theo dõi thi hành pháp luật tại địa bàn, thì không thể không triển khai đến cấp huyện. Tương tự, việc xây dựng báo cáo chung của tỉnh bắt buộc phải trên cơ sở báo cáo của địa phương.

Một ví dụ nhỏ thế này: ở tỉnh Bắc Giang, trong quá trình thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2011, Đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật đã gặp một số khó khăn khi tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở cấp huyện, như chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương chỉ vì lý do rất đơn giản là Thông tư 03 không giao trách nhiệm theo dõi thi hành cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (ở cấp xã, không còn tổ chức của cơ quan chuyên môn nữa).

Thậm chí ở mỗi huyện, việc giao nhiệm vụ chủ trì theo dõi thi hành pháp luật có sự khác nhau. Trong 2 huyện được kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về môi trường thì một huyện giao cho Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Y tế tham mưu giúp UBND thực hiện, một huyện lại giao cho Phòng Y tế chủ trì tham mưu. Đại diện Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết, thực trạng này đã gây nhiều khó khăn cho Sở trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện!

Đây chỉ một trong số những vướng mắc trong việc triển khai nhiệm vụ mới của ngành Tư pháp. Với tính chất và tầm quan trọng của công tác theo dõi thi hành pháp luật, rất nhiều ý kiến đã đề nghị cần sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác trên. Trong đó, không thể bỏ sót việc phân công nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện – địa bàn cơ sở trực tiếp sâu sát với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Thục Quyên

Đọc thêm