Theo luật, “chuyện ấy” là của ai?

(PLO) - Mới đây, dư luận xã hội ồn ã lên câu chuyện cô gái bị người yêu ép phá bỏ thai với một loạt lý do này nọ, sau cùng thì lộ “chân tướng” rằng tại cô gái không thực hiện nghĩa vụ tránh thai của mình nên bây giờ có hậu quả thì ráng chịu một mình. 
Pháp luật luôn hướng tới hướng việc vợ chồng bình đẳng trong thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Pháp luật luôn hướng tới hướng việc vợ chồng bình đẳng trong thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Không biết từ bao giờ xã hội mặc định rằng tránh thai là nghĩa vụ của phụ nữ, mà ít ai biết rằng pháp luật luôn đề cập đến quyền bình đẳng trong nghĩa vụ này.

Tránh thai là nghĩa vụ của riêng nữ giới?

Dưới góc độ y học, theo các bác sĩ thủ thuật thắt ống dẫn tinh để kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đối với nam giới khá đơn giản, ít gây tổn thương và biến chứng hơn so với việc thắt ống dẫn trứng ở phụ nữ. Thế nhưng, tại các bệnh viện, số nam giới thực hiện các biện pháp này rất hiếm hoi, bởi hiện nay, không ít người chồng vẫn coi việc sinh đẻ hay KHHGĐ là trách nhiệm của phụ nữ, của người vợ. 

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, các đợt tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ luôn thưa vắng nam giới tham gia. Vì vậy, muốn tiếp cận, cán bộ làm công tác dân số-KHHGĐ lại phải tìm cách khác, ví dụ như lồng ghép trong sinh hoạt CLB hoặc thông qua tờ rơi phát tận nhà… Trao đổi với báo chí, bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết, ngay cả việc sử dụng bao cao su cũng bị nhiều đức ông chồng từ chối với lý do không thích và buộc người vợ phải sử dụng thuốc uống hoặc tiêm, đặt vòng tránh thai với nhiều nguy cơ tác dụng phụ hơn.

Không biết từ bao giờ xã hội mặc định rằng tránh thai là nghĩa vụ của nữ giới, mà ít ai biết rằng pháp luật luôn đề cập đến quyền bình đẳng trong nghĩa vụ này. Trong lịch sử xây dựng pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật luôn hướng tới hướng việc vợ chồng bình đẳng trong thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Sinh đẻ có kế hoạch là nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng trong việc thực hiện chính sách dân số của Nhà nước. 

Mới đây nhất, Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014 tiếp tục ghi nhận và bảo vệ sự bình đẳng của người vợ trong việc thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ tại những quy định mang tính nguyên tắc của Luật. Theo đó, khoản 4 Điều 2 quy định: “Giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Quyền bình đẳng của người vợ đối với người chồng trong việc thực hiện chính sách dân số thể hiện ở việc: người vợ có thể cùng người chồng quyết định việc sinh con hay không, số lần sinh con, thời gian sinh con, có quyền được lựa chọn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không chỉ áp dụng biện pháp tránh thai đối với người vợ mà còn cả đối với người chồng, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người vợ. 

Không nhiều phụ nữ biết rằng mình được pháp luật bảo vệ 

Quay lại với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xuất phát từ nhận thức về vai trò của người vợ và chồng trong gia đình đã được đưa vào điều luật bình đẳng giới, luật quy định vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi quyết định các vấn đề trong gia đình, trong đó có cả quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp KHHGĐ phù hợp, do đó, người chồng không có quyền ép buộc hay ra yêu cầu buộc vợ phải sinh con theo ý muốn của mình; hay sử dụng các biện pháp tránh thai mà người vợ không muốn hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người vợ, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ cho đối tượng nam giới. Tin vui là gần đây trên địa bàn tỉnh, nam giới đã tham gia và chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ về các biện pháp tránh thai. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để phát huy quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc thực hiện kế hoạch hóa và chăm sóc sức khỏe sinh sản, vẫn rất cần có sự tham gia tổ chức thực thi, giám sát của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội. Trong các chương trình dân số-KHHGĐ cần có những hoạt động thiết thực để có thể lôi kéo nam giới tham gia, qua đó nâng cao nhận thức của người chồng trong việc chia sẻ, gách vác trách nhiệm và không tạo áp lực về sinh con, đẻ cái với vợ.

Tựu trung lại có thể thấy rằng, trách nhiệm tránh thai thuộc về cả hai giới và điều này đã được đề cập trong luật. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày vẫn tồn tại tư duy mặc định chuyện tránh thai là của phụ nữ bởi không nhiều phụ nữ biết rằng mình được pháp luật bảo vệ như vậy. Để rồi từ đó nảy sinh ra những cái tặc lưỡi (của nữ giới) hay thái độ lảng tránh chiếc bao cao su (của nam giới) dẫn tới hậu quả. Và hậu quả này gây họa cho phái nữ nhiều hơn, đó là điều chắc chắn.

Lao động nam và nữ có số ngày nghỉ ngang nhau khi thực hiện biện pháp triệt sản

Một minh chứng nữa cho thấy pháp luật nhấn mạnh phụ nữ và nam giới, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp KHHGĐ phù hợp, đó là quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản là: “Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản”. Theo đó, khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai; 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. Quy định này có thể hiểu, người lao động cả nam và nữ sẽ được nghỉ 15 ngày nếu  thực hiện biện pháp triệt sản như nam thắt ống dẫn tinh, nữ thắt ống dẫn trứng… 

Đọc thêm