Có người cho rằng, bản án, quyết định của Tòa án như là một bản vẽ hay một bài lý thuyết mang tính hướng dẫn, còn việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự là người thợ xây hay là hoạt động đưa bài lý thuyết đó thực hành trên thực tế.
Do đó, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án không có gì là khó cả. Tuy nhiên, thực tế chỉ đúng một phần vì việc thi hành án thường phát sinh rất nhiều vấn đề mà khi xét xử Tòa án có thể chưa xem xét hoặc khi nhìn nhận, đánh giá một vụ việc người ta có thể chưa nhìn thấy hết được vấn đề.
Một vụ thi hành án dân sự |
"Bó tay" khi tòa yêu cầu “cắt một phần vách tường”
Theo qui định của Luật thi hành án dân sự (THADS), việc tổ chức THA, cơ quan THADS phải tuân thủ các trình tự, thủ tục một cách nghiêm ngặt, bắt đầu từ khi thụ lý, ra quyết định đến quá trình tổ chức THA. Tuy nhiên, đây không phải là việc khó, mà khó ở đây là thực tế của các vấn đề tranh chấp dân sự thường diễn biến phức tạp qua nhiều giai đoạn nhưng khi xét xử Tòa án chưa xem xét hoặc chưa điều tra một cách kỹ lưỡng, đến khi tổ chức THA đương sự không đồng tình, phản đối.
Đơn cử một bản án dân sự, Tòa tuyên buộc bà A phải có nghĩa vụ giao lại ngôi nhà đang ở cho ông B sở hữu. Sau khi xét xử tưởng như mọi việc đâu sẽ vào đó, thế nhưng nhiều lần cơ quan THADS tổ chức thi hành, không chỉ gia đình bà A mà còn nhiều người dân ở trong thôn kéo đến phản đối quyết liệt, gia đình dùng nhiều hình thức chống đối đến cùng. Bà A đưa quan tài đến và thách thức sẽ chết tại chỗ nếu như thực hiện việc cưỡng chế giao nhà.
Qua nhiều nguồn tin cho biết, trước đó do việc cấp quyền sở hữu ngôi nhà đang tranh chấp của chính quyền địa phương cho ông B không đúng với thực tế, vì nguồn gốc ngôi nhà đó trước đây chính là của gia đình bà A, nhưng khi xét xử Tòa không điều tra kỹ mà chỉ căn cứ vào các giấy tờ mà chính quyền địa phương đã cấp để tuyên giao cho ông B.
Một vụ án dân sự khác cũng khá lý thú, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã có lần xét xử một vụ tranh chấp dân sự, đã tuyên buộc chủ sở hữu ngôi nhà C phải cắt một phần vách tường của ngôi nhà (nhiều tầng) đã xây dựng để trả lại phần không gian đó cho ông D, người bên cạnh.
Cơ quan thi THADS đã làm việc với các bên đương sự để thỏa thuận theo hướng bồi thường bằng tiền theo trị giá diện tích không gian mà ông C phải giao, nhưng đương sự không đồng ý; sau đó cũng đã dự kiến tổ chức thi hành theo nhiều hình thức, tham khảo các nhà chuyên môn để khoan cắt bê tông nhà nhưng vẫn không khả thi, ruốt cuộc không thể thi hành được.
Một vụ thi hành án nữa mà khi xem bản án, quyết định của Tòa án thì thấy không có gì khó khăn, nhưng khi tổ chức thi hành lại khá phức tạp, cơ quan THADS đã tổ chức thi hành hơn 8 năm, đưa ra bằng nhiều biện pháp, từ động viên, thuyết phục đến việc sử dụng các biện pháp cứng rắn nhưng đương sự vẫn chống đối, cương quyết không thi hành.
Đó là bản án mà Tòa án đã tuyên buộc một số người phải giao lại 10.000 m2 đất đang trồng đào cho ông T. là xã viên HTX nông nghiệp để canh tác theo kết quả đấu giá trúng trước đó. Việc nhận đất đang trồng đào nói trên không ngoài mục đích chặt số đào đang trồng của người phải THA để được trồng lại đào.
Tính chất phức tạp của vụ việc xuất phát từ việc HTX nông nghiệp giải quyết các lợi ích, quyền và nghĩa vụ trước đây giữa những người được THA và người phải THA trong quá trình canh tác diện tích đất nói trên trước khi đưa ra đấu giá chưa thỏa đáng, nên họ bức xúc, cương quyết không THA. Tuy nhiên, khi xét xử những vấn đề này cũng chưa được Tòa án xem xét, cân nhắc để giải quyết một cách thấu đáo, đến khi đưa bản án ra thi hành thì các đương sự phản đối quyết liệt.
Phải thấu tình đạt lý
Theo qui định của pháp luật, cơ quan THADS tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay, nhưng thực tế như các trường hợp nêu trên, cơ quan THADS không thể tổ chức thi hành được.
Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu, có phải do cơ quan THADS thiếu tính quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp để tổ chức thi hành hay do việc giải quyết của Tòa án thiếu tính thuyết phục, xã hội không đồng thuận, dư luận không đồng tình, nhân dân phản đối hoặc không có tính khả thi trên thực tế.
Thực tế THADS cho thấy, bản án, quyết định của Tòa án được giải quyết một cách công tâm, khách quan, đúng pháp luật thì tính tự nguyện thi hành của đương sự trong giai đoạn thi hành án rất cao. Còn nếu việc giải quyết các tranh chấp của tòa án không công tâm, khách quan, xã hội không đồng thuận thì dù bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bao lâu đi nữa thì vẫn chỉ ở trên giấy, khó có thể tổ chức thi hành trên thực tế.
Hoàng Việt