Chỉ tiêu THADS chưa cao
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Huỳnh Văn Hùng – Cục trưởng Cục THADS tỉnh cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, các Chi cục.
Báo cáo trước đoàn công tác Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, trong năm 2022 và đầu năm 2023, ngành THADS Bình Thuận đã hoàn thành một số chỉ tiêu do Tổng cục THADS đề ra cụ thể: trong năm 2022, tổng số bản án, quyết định đã nhận là 9.479 bản án, 16.613 việc đã giải quyết (trong đó số cũ chuyển sang là 6.707 việc), có điều kiện thi hành là 12.468 việc và đã thi hành xong 10.176 việc.
Bước sang 6 tháng đầu năm 2023, tổng số bản án, quyết định mà ngành THADS tỉnh đã nhận là 2.806, tổng số việc đã thụ lý 11.959 việc (trong đó số cũ chuyển sang 6.289 việc), trong số 11.860 việc phải thi hành, có 8.027 việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 4.272 việc.
Dù kết quả thi hành án dân sự năm 2022 về tiền tuy tăng so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 302.544.175.000 đồng, tăng 44,4%) nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao, số tiền chuyển kỳ sau tăng hơn 144 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2023 về tiền đạt tỷ lệ thấp và giảm so với cùng kỳ (đạt tỷ lệ 7,51%, giảm 7,8%); số tiền chuyển kỳ sau tăng so với cùng kỳ (tăng 641.076.315.000 đồng).
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS, năm 2022 toàn ngành đã thụ lý 28 đơn và đã giải quyết 26 đơn. Tuy nhiên chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, con số đơn khiếu nại, tố cáo nhận được là 21 đơn, gần bằng so với cả năm 2022. Cũng trong thời gian đó, TAND các cấp đã chuyển cho các cơ quan THADS toàn tỉnh 58 bản án, quyết định về vụ án hành chính.
Lý giải nguyên nhân ngành THADS tỉnh còn nhiều tồn tại vướng mắc, ông Hùng cho biết, chủ yếu xuất phát từ con người, từ lãnh đạo một số đơn vị tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa bám sát công việc đến các chấp hành viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, chưa trau dồi, nâng cao kinh nghiệm, kiến thức pháp luật dẫn đến việc thi hành còn chậm, năng lực trình độ đội ngũ công chức chưa đồng đều, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với ngành THADS.
Bên cạnh đó, hiện nay khối lượng công việc nhiều, tính chất càng ngày càng phức tạp trong khi thiếu biên chế. Đáng kể đến là một số việc phải thi hành án với số tiền lớn nhưng khi tổ chức thi hành gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản dự án đầu tư của doanh nghiệp trong khi đó thiếu sự phối hợp hoặc phối hợp chưa tới của các cơ quan liên quan điển hình như vụ Công ty TNHH Suối Cát phải thi hành án hơn 405 tỷ; Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thế Giới Xanh 235 tỷ; Công ty TNHH Trường mầm non và tiểu học Thanh Nguyên phải thi hành án 80 tỷ, Công ty TNHH Khoáng sản Bentonite Minh Hà phải thi hành án 73 tỷ,....
Án lớn còn tồn
Ngoài ra, một số vụ việc thời gian thi hành án hành chính của người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND các cấp kéo dài, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, từ đó kéo theo tình trạng khiếu kiện, khiếu nại tố cáo lên các cơ quan chức năng ở Trung ương. Lý giải thêm về tỷ lệ THA hành chính thấp, Phó cục trưởng Nguyễn Văn Bình thông tin, một nguyên nhân khách quan là đất đai, tàu cá kê biên hiện đang khó bán đấu giá. Hiện nay Bình Thuận đang có khoảng 300 bản án hành chính liên quan đến đất đai. Mặt khác, kinh phí bồi thường, xác định mức bồi thường, hỗ trợ… cũng rất khó. Đây là những lý do khiến án hành chính khó thi hành.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi phát biểu |
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS Huỳnh Văn Hùng đã đề xuất một số ý kiến, việc đầu tiên phải kể đến là đầu tư xây dựng trụ sở, kho vật chứng, nhà công vụ vì theo ông Hùng, dù đã được địa phương bố trí quỹ đất nhưng hiện nay vẫn chưa có vốn để đầu tư xây dựng, nếu kéo dài có thể bị thu hồi và bố trí cho các đơn vị khác có nhu cầu.
Vấn đề tiếp theo là kiện toàn bộ máy lãnh đạo từ Cục và một số Chi cục đến bổ sung biên chế cho các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh trên cơ sở vị trí việc làm và số lượng vụ việc thụ lý hàng năm nhằm tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, trên cơ sở đó sắp xếp lại cơ cấu các phòng chuyên môn cho phù hợp với số biên chế theo quy định và đảm bảo nhân sự để thực hiện tốt nhu cầu công việc.
Cần bóc tách kỹ từng vụ việc nổi cộm
Sau khi nghe báo cáo của Cục, các ý kiến của phòng nghiệp vụ và một số chi cục, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi phát biểu, chỉ tiêu về tiền của THADS Bình Thuận đạt rất thấp, đứng thứ 61/63 tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, số lượng vụ việc chuyển về sau rất lớn. Do vậy, THADS Bình Thuận phải có những giải pháp mạnh về chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ. Ông Nguyễn Thắng Lợi cũng đề xuất đối với án hành chính, nếu có vướng mắc về phối hợp tổ chức, thực hiện thì phải tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo |
Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận sự cố gắng và chia sẻ với những thách thức khó khăn mà Cục THADS Bình Thuận đang gặp phải. Theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối năm, tập thể ngành THADS Bình Thuận phải tập trung cao độ để có bước chuyển biến. Từ những vụ việc khó thi hành, Bộ trưởng đề nghị Cục phải rà soát kỹ lưỡng các vụ việc, bóc tách chi tiết để tìm nguyên nhân. Đồng thời đánh giá lại mặt chủ quan xem cá nhân, tập thể đã cố gắng hết sức chưa?
Bên cạnh đó, ngành THADS Bình Thuận phải có những đề xuất với tỉnh và Bộ trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Cục, chi cục, phòng chuyên môn đề cùng gỡ vướng công tác cán bộ hiện nay. Cục THADS BÌnh Thuận phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ và Tổng cục THADS. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, cấp trên kiểm tra cấp dưới để ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Trong công tác thi hành án hành chính, kết quả thi hành xong các bản án hành chính đã có hiệu lực trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp (chỉ thi hành xong 02/35 bản án, đạt 5,7%). Khó khăn, vướng mắc chính:
+ Nội dung các vụ việc thi hành án hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như: thu hồi, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…; trình tự, thủ tục giải quyết phải qua nhiều bước và liên quan đến nhiều cơ quan nên thời gian thi hành án thường phải kéo dài. Việc xác định nguồn gốc, tính pháp lý về đất đai, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tại thời điểm hiện nay rất khó khăn, phức tạp do công tác quản lý đất đai trước đây không chặt chẽ; chính sách, pháp luật đất đai qua các giai đoạn đã có sự thay đổi.
+ Chưa bố trí được kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ để thực hiện bản án.
+ Một số trường hợp bản án tuyên chưa phù hợp với tình tiết khách quan nên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
+ Các cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay chưa có phòng hoặc bộ phận chuyên môn thực hiện công tác theo dõi thi hành án hành chính. Hầu hết các vụ án hành chính, người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND các cấp nên cơ quan Thi hành án nói chung và Chấp hành viên trực tiếp theo dõi thi hành án hành chính nói riêng còn tâm lý nể nang, chưa cương quyết trong việc đôn đốc thi hành án hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án.