Thi tốt nghiệp THPT 2024: Chiến thuật làm bài dành cho học sinh khối A1

0:00 / 0:00
0:00
Xét tuyển đại học từ điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm một tỉ lệ lớn trong số các phương án tuyển sinh ở các trường Đại học hiện nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để giúp các thí sinh đạt được điểm cao, đặc biệt điểm của các môn khối A1 trong kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, Tiến sĩ Phạm Hồng Bắc, chuyên gia giáo dục từ Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục AES gợi ý các chiến thuật làm bài hiệu quả dành cho học sinh Khối A1.

Lấy điểm các câu dễ trước, những câu khó "nuốt" sau

Hiện tại, cấu trúc đề thi của các môn khối A1 đều là trắc nghiệm, các câu hỏi của đề có sự phân hoá và được sắp xếp từ dễ đến khó. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính chất tương đối. Với môn Toán, dựa vào thế mạnh của mỗi bạn có thể chọn làm phần Hình học trước hay phần Đại số - Giải tích trước. Nhưng chắc chắn các thí sinh cần phải làm chắc chắn, chính xác và 30 câu đầu để có cơ hội nắm chắc điểm 7+.

Nếu gặp câu khó quá, các thí sinh nên tạm đánh dấu lại để thêm thời gian suy nghĩ. Các bạn không nên mãi cố xoay xở mất thời gian với những câu chưa có phương án giải trong khi còn nhiều câu cần phải làm. Sau khi giải xong các câu dễ lấy điểm, sẽ tập trung tinh thần vào giải quyết những câu khó "nuốt" này.

Bằng cách đi theo trình tự từ dễ đến khó này, các thí sinh có thể dần dần tiếp cận các câu hỏi khó khăn hơn khi đã cảm thấy tự tin và thoải mái hơn với những nội dung câu hỏi đơn giản hơn trước đó. Đây có lẽ là điều giúp các thí sinh xây dựng sự tự tin và động lực để vượt qua những câu hỏi mang tính khó khăn hơn ở sau đó.

Mỗi môn chỉ có một thời lượng làm bài nhất định, thực sự phải "chạy đua với thời gian", nên cần phải rèn luyện việc phân bố thời gian làm bài thường xuyên, thì sẽ có tâm thế cho kì thi chính thức có kết quả làm bài tốt.

Đối với môn Toán, thời gian làm bài là 90 phút cho 50 câu. Với mỗi mục tiêu khác nhau (chỉ để tốt nghiệp hay để xét tuyển đại học), các thí sinh phải chia thời gian để làm các phần khác nhau.

30 câu đầu thường sẽ là các câu lí thuyết ở mức độ nhận biết, thông hiểu, các thí sinh nên tập trung giải quyết nhanh để tiết kiệm thời gian cho các câu phía sau. Thời gian lý tưởng để hoàn thành 30 câu đầu là khoảng40 phút, đạt 6 điểm. Thời gian còn lại sẽ dùng để giải quyết các câu vận dụng và vận dụng cao. Từ câu 31 - 40, các câu vận dụng ở mức độ vừa không quá khó nhưng tốn thời gian thực hiện các biến đổi, khoảng 20 phút, đạt đến điểm 8. Và tất nhiên, các câu từ 41 - 50 đã có sự phân hoá điểm nên việc dành nhiều thời gian giải quyết các câu này là vô cùng dễ hiểu.

Đối với bài thi môn tiếng Anh THPT Quốc gia, thí sinh có thời gian 60 phút cho 50 câu hỏi trắc nghiệm. Các kiến thức thường gặp trong đề có đầy đủ những dạng về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng. Trong đề minh hoạ năm 2024 có các yêu cầu thường gặp như: hoàn thành câu, từ đồng nghĩa - trái nghĩa, viết lại câu, tình huống giao tiếp, tìm lỗi sai, ghép thành câu văn hoàn chỉnh, điền từ vào chỗ trống, đọc hiểu. Ngữ pháp vẫn tập trung vào câu so sánh, mạo từ, cụm động từ, câu hỏi đuôi, sự phối thì, giới từ, thành ngữ, phát âm, trọng âm, từ đồng/trái nghĩa, đọc hiểu... Cần xem lại 25 câu chuyên đề ngữ pháp và từ vựng được xây dựng trong sách giáo khoa cũng đã giúp đạt được từ 7 điểm trở lên. Hai bài đọc hiểu thường làm thí sinh nản vì dài, nhưng hãy chú ý tới chiến lược scan và skim vì chắc chắn có các câu hỏi về ý chính, câu hỏi lấy thông tin, câu hỏi về từ vựng, câu hỏi suy diễn, câu hỏi mục đích, thái độ của tác giả, hoặc về nguồn gốc của bài viết. Cần rèn luyện để nắm rõ ý của mỗi dạng câu hỏi và có phán đoán câu trả lời. Ai tiết kiệm được thời gian làm bài cho các câu dễ ở trên thì sẽ có thời gian nhiều hơn cho những bài đọc hiểu "khó nhằn" này.

Cũng giống như môn Toán, các bạn nên lướt qua đề thi một lượt để nhận định đề thi. Nên dành khoảng 45 phút đầu tiên để trả lời các câu hỏi từ dễ đến khó, và 15 phút sau dành cho việc soát lại bài cũng như kiểm tra lại những đáp án còn phân vân.

Còn đối với môn Vật lý là môn tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên, các bạn thí sinh nên chuẩn bị cho mình các kiến thức và hệ thống các công thức tính toán trước khi chính thức tham gia vào kỳ thi. Với thời gian 5 phút, các thí sinh nên xử lí các câu lí thuyết không cần tính toán (khoảng 12 câu). Dành khoảng 15 phút để dành cho việc sử dụng máy tính với những câu tính toán đơn giản (khoảng 14 câu). Đối với 14 câu còn lại sẽ sử dụng khoảng thời gian 25 phút còn lại để giải quyết. Nên để ra 5 phút để kiểm tra lại tất cả các câu đã làm.

Theo đề minh hoạ, trong số 40 câu có 20 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu, 6 câu vận dụng và 4 câu vận dụng cao. Nội dung chiếm đa số ở sách vật lí lớp 12, có 10% số câu thuộc Vật lý lớp 11. Chú ý áp dụng chiến lược thử đáp án nếu thời gian không còn nhiều, nhưng những câu kiểu "giá trị gần nhất" rõ ràng phải làm bài thực sự mới chọn được đúng. Vì vậy cần có mục tiêu đạt bao nhiêu điểm để có chiến lược học tập cho hiệu quả.

Làm đến câu nào thì hãy tô đáp án đến đó

Khâu này phải đến lúc vào thi mới cần, nhưng khi làm đề tự luyện, hãy tập làm cho quen nhé.

Cần phải tránh làm toàn bộ bài vào đề thi rồi sau đó mới tô đáp án từ đề thi vào trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Cần phải thận trọng nhằm tránh tình trạng tô nhầm, tô lệch đáp án ở trong đề thi với phiếu trả lời trắc nghiệm.

Có rất nhiều trường hợp mất điểm oan uổng vì tô nhầm đáp án trong quá trình làm bài. Vì thế, việc làm đến đâu tô đáp án đến đó là điều nắm chắc điểm khỏi những rủi ro. Các câu hỏi dễ thì làm đến đâu phải "ăn" chắc điểm đến đó, để không phải mất thời gian rà soát lại nữa mà chỉ nên rà soát lại những câu khó. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian mà vừa tránh được việc bỏ sót các câu hỏi chưa tô hết.

Phát hiện những thiếu sót để kịp thời khắc phục nhờ kiểm tra lại đáp án

Sau khi làm hết các câu có thể của đề bài, các thí sinh nên cẩn thận rà soát lại lần nữa những câu chưa làm được và tiến hành hoàn thiện nốt. Vì kiểm tra lại là một khâu không thể thiếu trong quá trình làm bài thi nên với mỗi bài thi các em nên để dành thời gian khoảng 5 phút cuối giờ để thực hiện khâu cần thiết này.

Nhờ kiểm tra lại mà ta có dịp phát hiện những thiếu sót để kịp thời khắc phục, sửa chữa, nhằm nâng cao tính chính xác của bài làm. Khi kiểm tra cần để ý đến phần nào trong đề chưa làm không? Đối chiếu với đề xem các câu trả lời đã phù hợp với yêu cầu đề ra chưa?... Tóm lại, cần rà soát từng câu chữ, đơn vị kiến thức, con số, đáp án... xem mọi thứ đã ổn chưa.

Ngoài ra, để tránh các vấn đề về quy định bài thi, cần kiểm tra lại một lần nữa ở phần thủ tục trên đầu, kiểm tra lại xem còn thiếu sót thông tin gì chưa điền vào đầy đủ không. Trên phiếu trả lời trắc nghiệm đã có đủ chữ ký của hai giám thị coi thi chưa, hay có câu nào tô mờ quá hay chưa tô hay không,…

Đọc thêm