Nếu bỏ thi, học sinh sẽ… tháo khoán?
Theo TS. Lê Viết Khuyến, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, không biết lúc nào học sinh đến trường thì nên đưa ra các phương án: Thi hay không thi tốt nghiệp; Nếu thi thì thi 3 môn hay 5 môn; Không thi thì xét tốt nghiệp thế nào…
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã khẳng định, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6/2020 thì học sinh lớp 12 vẫn có thể dự thi THPT quốc gia như lịch trình dự kiến với tinh thần tổ chức giảm nhẹ nhất có thể.
Trong 4 tuần (từ 15/6 đến 15/7), học sinh sẽ được thầy cô ôn tập sau thời gian học trực tuyến tại nhà, kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm.
Các phương án đều phải được đưa ra, nhưng trong thời điểm này chưa nên chốt phương án cụ thể nào. Bởi nếu đưa ra phương án bỏ thi sẽ dẫn tới tình trạng học sinh không chịu học hành. Trước mắt, Bộ phải chuẩn bị nhiều phương án, sau đó tùy vào tình hình thực tế để quyết định phương án cụ thể.
Còn theo GS. Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ Luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia. Nếu không thi ở cấp quốc gia mà giao cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
Đồng quan điểm, PGS. Chu Cẩm Thơ - Phó Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, việc thi tốt nghiệp là kỳ thi kết thúc một giai đoạn học tập, trong Luật Giáo dục và trong khoa học không quy định hình thức thi của kỳ thi này. Vì thế, tùy thuộc vào hoàn cảnh hiện nay, có thể xem xét điều chỉnh hình thức thi cho phù hợp với thực tiễn, có thể phân cấp cho các địa phương để hình thức thi có thể chấp nhận được với điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương đó.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội lại có ý kiến cho rằng, năm nay không thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia, hình thức thi, môn thi thì nên giữ ổn định như năm 2019 để tránh xáo trộn.
Có thể bãi bỏ?
Ý kiến của một chuyên gia khác cũng bày tỏ, nếu sửa được Luật Giáo dục thì tốt, còn không thì chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết gọi là “giải thích luật” (trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa, dịch bệnh) thì kỳ thi THPT năm nay có thể bãi bỏ, giao địa phương (tốt nhất là các trường) công nhận là được.
Thực tế, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Thế nhưng, với thực tế hiện nay cho thấy Luật Giáo dục đã có khiếm khuyết là không quy định trường hợp dịch bệnh kéo dài như hiện nay, nên chỉ có cách là sửa luật và đây là quyền và trách nhiệm của Quốc hội.
Được biết, khi thảo luận Luật Giáo dục sửa đổi đã có những đề nghị Bộ GD-ĐT nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường và đưa vào luật việc tự học ở nhà (homeschooling) nhưng không thành. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, tỉ lệ đậu trên 90%.
Học trực tuyến đang là giải pháp được lựa chọn trong tình hình dịch bệnh |
Ở góc độ các trường đại học, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đặt giả thiết trong trường hợp xấu nhất, tình hình diễn biến dịch bệnh kéo dài đến tháng 5 thì không còn thời gian cho tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cần có các phương án chuẩn bị ứng phó sớm.
Do đó, ông Tớp đề xuất Bộ nên trao quyền và gắn trách nhiệm cho các địa phương thực hiện xét tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường đại học sẽ nâng cao tính tự chủ, chủ động có phương án tuyển sinh đánh giá chất lượng đầu vào phù hợp, hướng tới giảm dần sự phụ thuộc của các trường vào kết quả thi THPT quốc gia…
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy online tại Hà Nội cho biết, kỳ thi THPT quốc gia được tiến hành từ năm 2015, mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, các năm qua, kỳ thi này luôn thực hiện song song hai nhiệm vụ.
Trong đó, hầu hết các trường đại học lấy kết quả thi làm căn cứ xét tuyển sinh. Hai mục tiêu này không quá cách biệt ở những năm trước và có thể phân hóa trên cùng đề thi. Theo thầy Ngọc, với học sinh muốn đỗ các trường đại học top đầu thì vẫn duy trì được nền nếp học tập. Còn những học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, học nghề thì khó giữ được thái độ học tập nghiêm túc.
Hơn nữa, nhìn vào cấu trúc đề tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra, 70% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức nhận biết, thông hiểu nên có thể thấy, đề thi này, ưu tiên mục tiêu xét tốt nghiệp. Không gian phân hóa để xét tuyển đại học chỉ 30%. Việc dồn nén trong không gian hẹp như vậy rất khó đánh giá năng lực của học sinh.
Do đó, các trường đại học gặp trở ngại khi tuyển được thí sinh như mong muốn. Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, không tổ chức thi THPT quốc gia là phương án dự phòng mà Bộ GD-ĐT cần tính tới. Với tuyển sinh đại học, theo thầy Ngọc, trong bất cứ kịch bản nào, ưu tiên quan trọng nhất Bộ GD-ĐT cần lưu ý là đảm bảo thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, công bằng cho thí sinh…
Được biết, hiện nay một trong những biện pháp quyết liệt được các quốc gia đưa ra để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh là đóng cửa trường học. Điển hình là Pháp, mới đây Bộ trưởng Giáo dục, ông Jean-Michel Blanquer thông báo năm nay không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay còn gọi là kỳ thi tú tài (vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa xét tuyển đại học).
Thay vào đó, học sinh có thể nhận bằng cấp dựa trên điểm số tại trường trước và sau thời gian cách ly xã hội để chống dịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, học sinh không phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong bối cảnh trường học bị đóng cửa do khủng hoảng Covid-19. Toàn bộ trường học tại Pháp đóng cửa kể từ ngày 16/3 và giáo viên, học sinh đã chuyển sang học trực tuyến.
Vương quốc Anh cũng hủy kỳ thi GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) và kỳ thi A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao) do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Bang Pennsylvania (Mỹ) thì hủy kỳ thi PSSA/Keystone. Úc hủy Chương trình đánh giá quốc gia về năng lực ngôn ngữ và số học (NAPLAN). Và New York đóng cửa trường công tới hết năm học…
Các đại học tốp đầu sẽ có kì thi riêng
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tiên phong công bố tổ chức kì thi riêng. Một chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ về việc các đại học tốp đầu sẽ có kì thi riêng. Vị chuyên gia này chia sẻ, trước hết hãy hình dung về kỳ thi chung của các trường tốp trên, tạm gọi là Serie A.
Nó nên được tổ chức ngay tại địa phương mà thí sinh đang học, sau khi thi THPT quốc gia, dành cho các thí sinh có điểm trên mức nào đó (20 điểm chẳng hạn); hoặc trước khi thi THPT quốc gia nhưng với điều kiện điểm học bạ các môn thi từ 7 trở lên. Đề thi tự luận gồm Toán Logic và một môn nữa. Nó là căn cứ để xét tuyển vào trường tốp trên.
Về phía lãnh đạo các trường tốp trên, họ mong muốn sàng lọc chính xác những thí sinh xứng đáng vào trường mình. Nhưng họ cũng phải nghĩ đến phân luồng bậc phổ thông; nghĩ đến quyền không phải làm các bài Toán, Lý, Hoá, Sinh khó của các em không muốn thi vào trường top.
Vì thế, mức độ khó của kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi; sự phân loại của Serie A phải tăng lên. Điều đó giúp các em học sinh mọi cấp được học cái mà mình thích, mình có khả năng nhiều hơn. Về phía lãnh đạo các trường còn lại không phải quá bận lòng, bởi mỗi trường có một sứ mệnh riêng. Sản phẩm của mỗi trường mà tốt thì đều đóng góp lớn cho xã hội…