Trong những tháng cuối năm 2019, thị trường sẽ gặp khó khăn. Chi phí huy động vốn và chi phí tiếp cận đất đai vẫn còn nhiều ách tắc gắn với nhiều rủi ro pháp luật cần phải sớm giải quyết.
Đối với phân khúc nhà ở, việc khắc phục tình trạng bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu vẫn đang được các ban ngành, địa phương thực hiện. Trong khi đó, nhóm bất động sản giá thấp, nhà ở xã hội đang gặp khó khăn.
Các chuyên gia nhận định, BĐS du lịch và BĐS công nghiệp sẽ là những phân khúc sẽ phát triển tốt trong thời gian tới, do chính sách của Nhà nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sự dịch chuyển dòng vốn từ một số nước vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong quý I/2019, tại TPHCM, số dự án được cấp phép giảm 67%, cấp phép xây dựng đối với các công trình nhỏ lẻ của người dân cũng giảm 16%.
Tại Hà Nội, lượng cung cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy lượng hàng đưa ra thị trường được giao dịch với tỷ lệ cao, nhưng đang có khuynh hướng giảm dần và sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm nay. Cũng theo ông Nam, nguyên nhân thị trường BĐS đi xuống là do các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ “siết chặt” cho vay BĐS và sự phát triển không tách rời với các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Những quy định về xây dựng, quy hoạch, đất đai, giải phóng đền bù, đấu thầu, đấu giá, thủ tục hành chính được siết rất chặt. Không những các công trình mới đăng ký mà cả những công trình đã triển khai 5-7 năm rồi vẫn bị đình lại, rà soát. Do vậy, đất và tiền đều bị hụt mạnh khiến thị trường BĐS đi xuống.