Bất an vì nhiều sự cố
Việc nhiều hộ dân đang sinh sống yên ổn tại chung cư The Hamona (quận Tân Bình, TP HCM) bỗng nhiên phát hiện ra căn hộ của mình đã bị chủ đầu tư thế chấp từ bao giờ. Qua văn bản từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Sài Gòn yêu cầu Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (chủ đầu tư dự án) thực hiện bàn giao tài sản thế chấp, người dân ở chung cư The Hamona đã tìm hiểu và phát hiện căn hộ mình đã bỏ tiền tỷ ra mua bị thế chấp không chỉ 1 lần.
Cũng tương tự như trường hợp chung cư Harmona, chủ đầu tư dự án chung cư RubyLand là Công ty Tân Hoàng Thắng cũng đang nợ tại ngân hàng với số tiền khoảng 286 tỉ đồng. Ngân hàng đã đồng ý cho Công ty Tân Hoàng Thắng, chủ đầu tư dự án nộp 70 tỉ đồng để lấy sổ đỏ ra, nhưng công ty này vẫn không có tiền để trả.
Bên cạnh đó, dự án này còn vướng nhiều sai phạm như “xây lụi” quy mô lớn và có tình trạng lộn xộn. Được biết, ngân hàng đã bán khoản nợ xấu của chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng cho VAMC. Hiện VAMC đã kiện chủ đầu tư ra tòa án Tân Bình, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo là gần 300 căn hộ tại chung cư Rubyland.
Vụ việc lùm xùm ở chung cư The Hamona và RubyLand chưa lắng xuống thì đầu tháng 6/2016 lại xảy ra vụ các cư dân tại chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) do Công ty Long Hưng Phát làm chủ đầu tư “bị mời” ra khỏi nhà. Lý do là Sở Xây dựng qua kiểm tra phát hiện, chủ đầu tư đã bàn giao 14/170 căn hộ cho khách hàng và 10 hộ với 32 nhân khẩu đã vào cư trú.
Tuy nhiên, công trình vẫn chưa hoàn thành hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là thang máy, thang bộ chưa thi công hoàn chỉnh. Vì thế, việc đưa cư dân vào cư trú khi công trình chưa hoàn thiện, chưa nghiệm thu sẽ có nguy cơ cao về cháy nổ, tai nạn và các sự cố khác.
Những vụ việc trên ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người mua nhà. Nhiều người mua nhà sau khi tìm hiểu những thông tin trên chia sẻ họ cảm thấy vô cùng hoang mang và mất lòng tin. Nhiều người còn chuyển ý định mua chung cư và chuyển sang mua nhà phố hoặc đất nền...
Cần củng cố lại niềm tin của người mua nhà
Anh Nguyễn Văn Minh (hiện tạm trú tại quận Tân Bình) cho biết, gia đình anh có ý định mua chung cư vì loại hình nhà ở này hợp túi tiền và điều kiện sinh hoạt cho gia đình anh. Tuy nhiên trước những thông tin kể trên, anh cho biết: “Tôi sẽ suy nghĩ lại việc mua chung cư hay chuyển qua mua đất nền. Hoặc tôi sẽ chọn những dự án nào đã xây dựng xong và bàn giao giấy tờ nhà trực tiếp cho an toàn...”.
Thực tế cho thấy, từ năm 2015 đến nay, hệ thống pháp luật đã khá chặt chẽ, các quy định của Nhà nước về mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khá đầy đủ. Tuy nhiên, các tranh chấp vẫn xảy ra khiến người mua nhà tiến thoái lưỡng nan có phần từ lỗi từ sự giám sát chưa chặt chẽ của ngân hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động Sản TP HCM cho hay, những sự việc vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người mua nhà. Thực tế một số dự án kể trên bắt đầu thi công trong thời kỳ “bong bóng bất động sản” nghĩa là từ những năm 2006 - 2008. Nguồn tiền huy động vốn không được sử dụng cho việc xây dựng mà dùng để mở rộng các dự án khác.
Chủ đầu tư cũng không chú trọng việc trả bớt nợ mà để rơi vào trường hợp trên. Bên cạnh đó, ngân hàng không thể nào vô can, sau khi cho vay, quá trình giám sát của ngân hàng rất hời hợt. Vì thế mới có chuyện chủ đầu tư dự án The Harmona mang tài sản đi thế chấp đến 3 lần.
Để lấy lại lòng tin của người mua nhà, những vụ việc trên đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết với tiêu chí đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Đồng thời về lâu dài, những thông tin về dự án rao bán phải được đưa ra một cách minh bạch về các tiện ích của dự án cũng như đảm bảo tiến độ thi công.
Ông Châu cho hay, dưới góc độ là người mua nhà, việc công khai dự án thế chấp là điều cần thiết. Bên cạnh việc công khai ở ngân hàng cũng nên thông tin trên các phương tiện truyền thông để người mua nhà nắm được. “Hiệp hội Bất động sản TP HCM đang kiến nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai các dự án thế chấp trên toàn quốc để người tiêu dùng có thể nắm được”, ông Châu thông tin.
Về phía người dân, các chuyên gia khuyên rằng trước khi mua nhà khách hàng cần tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư đó là ai, lịch sử kinh doanh của công ty, khách hàng cần tìm hiểu về tính pháp lý của dự án đã có quyền sử dụng đất hay không, có giấy phép xây dựng hay không, dự án đã có ngân hàng bảo lãnh hay chưa, cần sự tư vấn của luật sư về hợp đồng mua bán trước khi ký vào hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của chính mình.