Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường hàng không quốc tế “đóng băng” và ảnh hưởng một thời gian dài về sau. Theo dự báo của Cục này, thị trường hàng không quốc tế ở nước ta được dự báo sẽ hoàn toàn phục hồi vào cuối năm nay, tức lượng khách quốc tế vào Việt Nam sẽ bằng năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh COVID-19.
“Khách quốc tế vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2023 và tiếp tục tăng mạnh trong quý I năm nay. Đây là thời điểm chạy đà quan trọng để đến cuối năm nay, thị trường hàng không quốc tế phục hồi hoàn toàn tại Việt Nam”, đại diện Cục HKVN nói và cho biết, thực tế dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua đã minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ này khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đột biến.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý 21 sân bay tại Việt Nam (sân bay còn lại là Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group quản lý), khách quốc tế vào Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục tăng, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Cụ thể, từ ngày 26/4 - 1/5, tổng sản lượng khai thác quốc tế đạt hơn 4.100 lượt bay, tăng hơn 17% so với cùng kỳ 2023. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 668.00 lượt khách, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, sản lượng hàng hóa quốc tế cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, đạt gần 14.000 tấn, tăng khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, ACV cho biết, có gần 14 triệu hành khách quốc tế qua các cảng hàng không Việt Nam do đơn vị này quản lý, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Các hãng bay hưởng lợi
Từ cuối năm ngoái, ngành hàng không nội địa nước ta đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không vẫn liên tục kêu lỗ. Nguyên nhân quan trọng đến từ việc hàng không quốc tế chưa phục hồi, bởi hàng không quốc tế được đánh giá đem lại lợi nhuận chính cho các hãng hàng không. Do đó, việc thị trường hàng không quốc tế phục hồi mạnh mẽ như hiện nay đang khiến các hãng hàng không “vui như mở cờ trong bụng”.
Thời gian qua, Bamboo Airways thực hiện tái cơ cấu, gần như cắt hết các đường bay quốc tế nhằm chú trọng phục vụ bay nội địa, thì hai hãng hàng không trong nước còn lại là Vietnam Airlines và Vietjet Air đảm nhiệm vai trò chuyên chở khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo đại diện Vietjet Air, trong năm 2023, đơn vị này chở hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng 183% so với năm 2022. Trong quý I năm nay, nhận thấy hàng không quốc tế tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, hãng đã mở thêm nhiều đường bay mới đến nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Vietjet là hãng hàng không có nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất của Australia. Thời gian qua, hãng đã mở nhiều đường bay đến Ấn Độ; mở đường bay kết nối trực tiếp giữa Thủ đô Hà Nội với Jakarta (Indonesia). Hãng tăng tần suất khai thác đến các nước Đông Bắc Á, trở thành hãng hàng không Việt Nam có tần suất bay nhiều nhất đến các thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc”, Vietjet thông tin về mở rộng đường bay quốc tế. “Quý I năm nay, chúng tôi đạt doanh thu hơn 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng có phần đóng góp lớn từ sự tăng trưởng của hàng không quốc tế”, Vietjet cho biết.
Ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng cho biết, trong quý I năm nay, doanh thu toàn đơn vị này đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, riêng doanh thu hàng không quốc tế đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm ngoái.
“Mảng vận tải bay quốc tế đóng góp khoảng 65% vào doanh thu vận tải hàng không của chúng tôi”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói và cho biết, hiện nay, tỷ trọng các tuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế của hãng đã tiệm cận mức trước đại dịch COVID-19.
Theo Cục HKVN, mặc dù ngành hàng không quốc tế đang phục hồi như dự đoán nhưng vẫn còn đó những thách thức, rủi ro. Cụ thể, những yếu tố tiêu cực tác động đến tăng trưởng, phát triển kinh tế trong nước và quốc tế; diễn biến bất lợi của giá nhiên liệu hàng không; giao tranh quân sự tại một số quốc gia và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, kết thúc; nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ngành hàng không…
Ngoài ra, những biến động từ nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách và khả năng đáp ứng chưa toàn diện năng lực khai thác của hạ tầng hàng không cũng là những thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng không trong tiến trình phục hồi năm 2024.