Thị trường lao động quốc tế: Mong manh và phục hồi chậm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến trên toàn cầu đầu năm 2022 là nguyên nhân khiến hàng triệu lao động phải ở nhà vào tháng Giêng. Tổ chức Lao động Quốc tế nhận định, thị trường lao động vẫn còn mong manh và phục hồi chậm trong những năm tới. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi giữa những nước giàu và nước nghèo không giống nhau.
Một nhà hàng ở New Orleans (Mỹ) “vật lộn” giữ nhân sự trước “làn sóng” Omicron. (Ảnh: NY Times)
Một nhà hàng ở New Orleans (Mỹ) “vật lộn” giữ nhân sự trước “làn sóng” Omicron. (Ảnh: NY Times)

“Guồng máy làm việc của Mỹ đang mạnh mẽ hơn”

Thị trường lao động Mỹ đang được đánh giá là rất sôi động, đi ngược lại với dự báo của các chuyên gia kinh tế, theo tờ New York Times. Cụ thể, Bộ Lao động nước này mới đưa ra thống kê, chỉ trong tháng 1/2022, các nhà tuyển dụng Mỹ đã đăng tuyển thêm 467.000 việc làm mới.

Bà Julia Pollak – chuyên gia kinh tế của nền tảng tuyển dụng ZipRecruiter cho biết: “Các công ty dù gặp khó khăn trong kinh doanh nhưng vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động trong thời gian này. Đơn cử, các nhà hàng, khách sạn và những công ty đã cắt giảm nhân sự trong giai đoạn đại dịch hiện đang thiếu nhân sự và cần tuyển dụng ngay lập tức. Họ mong muốn nhanh chóng bổ sung được càng nhiều nhân tài càng tốt để chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế”.

Được biết, trong tháng đầu năm, số ca nhiễm mới ở Mỹ rơi vào khoảng 800.000 ca mỗi ngày. Bởi vậy, có khoảng 3,6 triệu người lao động phải ở nhà bởi xét nghiệm dương tính. Đây cũng là một trong những nhà tuyển dụng phải thuê mới nhân viên liên tục bởi bất cứ lúc nào nhân sự của họ cũng có thể tạm nghỉ việc bởi COVID-19.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng lên khoảng 4% do nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc cắt giảm nhân sự, nền kinh tế Mỹ vẫn hồi phục được khoảng 19 triệu việc làm so với tổng số 22 triệu việc làm đã bị mất đi trong thời gian giãn cách xã hội. Các chuyên gia của Nhà trắng cũng dự đoán, tỉ lệ thất nghiệp này đã giảm nhanh hơn so với các dự báo trước đó và sẽ tiếp tục giảm nhanh trong thời gian tới khi nền kinh tế Mỹ dần hồi phục vị thế của mình.

Cách đây không lâu, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi đây là “bước tiến lịch sử” của nước Mỹ, khẳng định rằng các chính sách kinh tế của ông đang hoạt động hiệu quả. “Guồng máy làm việc của nước Mỹ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông nói.

Góc khuất trong bức tranh toàn cảnh khả quan

Ngược lại với sự lạc quan của các nhà chính trị, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại bởi “vẫn còn quá sớm để ăn mừng”. Chuyên gia kinh tế Jared Bernstein chia sẻ với New York Times rằng, sự ngắt quãng của chuỗi cung ứng sản xuất, tình trạng thiếu lao động và lạm phát cao vẫn còn đó và vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động nước Mỹ. Mặc dù Omicron dường như đã gây ra ít thiệt hại cho nền kinh tế hơn so với nhiều người lo ngại nhưng điều đó không có nghĩa không có sự tổn thất nào. Các hộ kinh doanh gia đình và doanh nghiệp tư nhân phải chịu nhiều áp lực hơn cả.

Thị trường tuyển dụng lao động ở Mỹ sôi động hơn vào đầu năm 2022. (Ảnh: Reuters)

Thị trường tuyển dụng lao động ở Mỹ sôi động hơn vào đầu năm 2022. (Ảnh: Reuters)

Một số liệu thống kê khác của Bộ Lao động cho thấy, vào khoảng giữa tháng Giêng, có khoảng 6 triệu người Mỹ đã bị cắt giảm một phần hoặc toàn bộ giờ làm trong một khoảng thời gian nhất định vì chủ lao động đóng cửa hoặc làm ăn thua lỗ. Như vậy, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp giảm nhưng số lượng lao động bị gián đoạn công việc bởi COVID-19 đã tăng lên gấp đôi.

Đơn cử, Robert LeBlanc là một chủ nhà hàng ở New Orleans, anh có sáu cơ sở nhà hàng làm việc hiệu quả và có lãi trước khi dịch diễn ra. Tuy nhiên, anh đã phải đóng cửa một nửa số cơ sở của mình vì không thể đảm bảo số giờ làm việc cho nhân viên. Có thời điểm, quá nhiều nhân viên đã nhiễm COVID-19 cùng một lúc và không thể đến làm việc. LeBlanc chia sẻ Omicron là “cú bồi cuối cùng” và cũng là “đòn tồi tệ nhất” bởi không chỉ thực khách đã thưa dần mà khoản viện trợ của chính phủ cho doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch cũng không còn nữa.

Mặt khác, một hiện tượng nữa đang dần hiện diễn rõ ràng hơn trong thị trường lao động Mỹ, đó là thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động đang liên tục gia tăng. Đây có thể là một tin tốt cho người lao động nhưng có thể là khó khăn của các nhà tuyển dụng, khiến thị trường lao động cạnh tranh hơn và có xu hướng nghiêng về những doanh nghiệp, tổ chức có tiềm lực tài chính lớn. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải lo ngại bởi hiện tượng này có thể sẽ trở thành động lực lớn của nạn lạm phát. Đơn cử, một công ty sản xuất ở Mỹ đã phải đưa ra mức tăng lương từ 10-15% vào đầu năm để giữ chân nhân viên. Bởi giá nhân sự tăng, công ty này cũng buộc phải tăng giá thành phẩm.

Lại nói, không phải người lao động nào ở Mỹ cũng có cơ hội kiếm việc như nhau đối với các nhà tuyển dụng. Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp của lao động da đen là 6,9% trong tháng Giêng, cao hơn gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp ở người da trắng. Bên cạnh đó, tỷ lệ người thất nghiệp trong các nhóm lao động gốc Tây Ban Nha, người không có bằng đại học, cũng cao hơn.

Trong khi các nhà chính trị tuyên bố rằng nước Mỹ sắp trở lại bình thường như trước dịch, nhiều người lao động đã phải tiếp tục “vật lộn” với đại dịch mà không có trợ cấp thất nghiệp bổ sung và các khoản hỗ trợ khác mà chính phủ đã đưa ra trước đó.

Jose Ramirez (33 tuổi) là một ví dụ. Anh đến từ El Salvador và làm nhân viên bán đồ ăn nhanh ở San Francisco. Anh xuất hiện triệu chứng đau họng vào đêm Giao thừa. Vài ngày sau, anh bị sốt và có kết quả xét nghiệm dương tính; cả ba đứa con và người cha 78 tuổi của anh cũng cho kết quả tương tự. Tất cả phải tự cách ly tại nhà. Bên cạnh lo lắng về sức khoẻ của gia đình, Ramizer đã phải nghỉ không lương trong 2 tuần, và cuối cùng anh chỉ kiếm được 250 đô la Mỹ vào tháng 1 vừa qua – thậm chí còn không đủ trả tiền thuê nhà. “Tôi thực sự không biết mình sẽ làm gì để trả nợ. Nhờ phép màu của Chúa mà tôi và cả gia đình đã có thể sống sót. Nhưng không có phép màu nào với kinh tế của gia đình tôi”, anh nói.

“Phép màu” nào với người lao động ở các nước nghèo?

Trong khi thị trường lao động Mỹ có thể đang tiến gần đến mức trước khi có đại dịch, Liên Hợp quốc cho rằng điều này vẫn còn xa vời đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại châu Âu, tốc độ phục hồi của thị trường lao động vẫn chậm hơn ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 7,2%, theo tờ Wall Street Journal.

Thị trường lao động ở các nước nghèo như tại Bangladesh có thể hồi phục chậm hơn. (Ảnh: World Bank)

Thị trường lao động ở các nước nghèo như tại Bangladesh có thể hồi phục chậm hơn.

(Ảnh: World Bank)

Các báo cáo đầu năm 2022 của Liên Hợp quốc ghi nhận sự phân hoá rõ rệt trong tốc độ phục hồi giữa các nước giàu và các nước nghèo. Theo đó, sẽ mất ít nhất hai năm trước khi tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm trở lại mức trước đại dịch. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước nghèo vẫn ở mức cao ngay cả khi thị trường lao động ở các nước giàu đang hồi phục trở lại. Nguyên nhân chính là bởi khả năng tiếp cận vaccines và các gói hỗ trợ của người lao động ở các nước nghèo thấp hơn, khiến họ dễ bị tác động bởi “làn sóng” Omicron hơn.

Trong báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới – Xu hướng năm 2022 (Xu hướng WESO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính số lượng người thất nghiệp toàn cầu trong năm 2022 sẽ giảm xuống 207 triệu người so với con số 214 triệu vào năm 2021, có thể tiếp tục giảm xuống 203 triệu người vào năm 2023. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với 186 triệu người thất nghiệp được ghi nhận trong năm 2019.

Đáng nói, theo ước tính của ILO, đến năm 2023, số người thất nghiệp ở tất cả các quốc gia giàu có thể trở lại mức trước đại dịch là 29 triệu người. Nhưng ngược lại, số người thất nghiệp ở các nước đang phát triển có thể tăng lên 174 triệu người, cao hơn rất nhiều so với con số 157 triệu được ghi nhận trước đại dịch.

Tổng Giám đốc ILO – Guy Ryder cho rằng, không thể biết chắc thị trường lao động toàn cầu có thể hoàn toàn phục hồi vào năm 2024 hay không. “Đã hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát, triển vọng phục hồi vẫn còn mong manh và con đường phục hồi thì chậm và không chắc chắn. Chúng ta đều nhận thấy những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra đối với thị trường lao động, cùng với sự gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng”, ông cho hay.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã góp phần kéo dãn khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển, kéo theo đó là rất nhiều hệ luỵ tiêu cực trong xã hội.