Thị trường vật liệu xây dựng khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng: Vì sao cát xây dựng bất ngờ “đội” giá, khan hiếm bất thường?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều DN trong lĩnh vực xây dựng tại Đà Nẵng, Quảng Nam lo lắng như “ngồi trên đống lửa” vì khan hiếm cát xây dựng một cách bất thường do nhiều mỏ dừng hoạt động. Nguồn cung thiếu, giá cát được đẩy lên mức cao chưa từng thấy.
Nhiều mỏ dưới chân cầu Giao Thủy - Đại Lộc đồng loạt ngưng khai thác.
Nhiều mỏ dưới chân cầu Giao Thủy - Đại Lộc đồng loạt ngưng khai thác.

Vừa “đội” giá kỷ lục, vừa khan hiếm

Đầu năm 2023, ông Hồ Văn Thanh (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhận thầu xây dựng hai căn nhà 4 tầng liền kề. Thế nhưng, công việc triển khai chưa bao lâu phải buộc tạm ngưng vì không thể tìm mua cát, do khan hiếm. Một phần nữa, cát “đội” giá lên quá cao so với dự toán chi phí vật liệu xây dựng ban đầu, khiến các hợp đồng phải điều chỉnh.

Bên cạnh những dự án tư nhân gặp khó, nhiều dự án công trên địa bàn cũng đang đối diện nguy cơ chậm tiến độ khi tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng xảy ra. Những ngày qua, đại diện một Cty xây dựng tại phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu, Đà Nẵng), là DN nhận nhiều công trình trọng điểm của TP cũng rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên” lo sợ dự án bị ảnh hưởng. Vị này thông tin, từ sau Tết, hầu hết các đại lý xây dựng, nguồn cung cấp cát cho Cty đều bị gián đoạn, thậm chí tạm dừng hoạt động. Trước Tết, giá chỉ từ 250.000- 300.000 đồng/m3 nhưng hiện tại đã bị đẩy lên 350.000 - 400.000 đồng/m3, thậm chí còn dự báo 500.000 đồng/m3.

Chủ một điểm cung cấp vật liệu, cát xây dựng lớn bậc nhất tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn xác nhận, hiện giá cát bán tại chỗ đã ở mức 380.000 đồng/m3, chưa kể tiền vận chuyển, nhưng không có nguồn cung cấp. Khó khăn lớn nhất nằm ở nguồn cát nhập từ các mỏ cát ở Quảng Nam về thiếu hụt đột ngột. Giá cát xây dựng sau Tết tăng cao, dự báo tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu xây dựng nhiều mà lại không có nguồn cung cấp.

Tại Quảng Nam, ông Phạm Văn Chính (ngụ TP Tam Kỳ, một chủ thầu xây dựng) chia sẻ, mỗi m3 cát khi đến chân công trình có thể lên đến 350.000-450.000 đồng/m3 tùy loại. Với việc giá tăng cao và khan hiếm như hiện nay, DN xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề, khi các hợp đồng đã ký kết với chủ nhà. Ông Chính mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp để tháo gỡ tình trạng thiếu cát xây dựng trên địa bàn.

Một chủ bến thủy tập kết cát, chuyên cung cấp cho thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam đóng tại TX Điện Bàn bày tỏ, trước Tết Nguyên đán, việc mua bán cát xây dựng diễn ra bình thường, mua vào giá 150.000 đồng/m3 tại mỏ, bán ra cho khách tại địa phương giá 160.000 đồng/m3. Với khách tại Đà Nẵng, sau khi kèm chi phí vận chuyển, giá bán 210.000 đồng/m3.

Nhưng sau Tết Nguyên đán đến nay, DN chỉ bán đúng một lần, rồi sau đó phải đóng cửa vì không có nguồn cung, do nhiều mỏ cát chuyên cung cấp cho DN tại Quảng Nam đều đồng loạt tạm dừng khai thác. Nếu tình trạng này kéo dài, một số đại lý vật liệu xây dựng (VLXD) phải đóng cửa.

Thực tế như lời chủ bến trên, những ngày này, đi dọc những con đường thuộc huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), không còn thấy cảnh xe tải chở cát nối nhau chạy ầm ầm tung bụi mù mịt. Đường dẫn đến các mỏ và bãi tập kết cát ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên thưa vắng phương tiện. Đứng trên cầu Giao Thủy, phía xã Đại An, huyện Đại Lộc, nhìn xuống sông Thu Bồn, chỉ còn thấy vài tàu hút cát, xà lan không người lái đang neo đậu. Trên bờ nhiều xe múc nằm trơ trọi giữa những bãi tập kết cát không một bóng người.

Mới hơn tháng trước, hai bến thủy nội địa dưới chân cầu Giao Thủy này như công trường khai thác khổng lồ, cung cấp cát xây dựng cho Quảng Nam, Đà Nẵng, ra đến tận Thừa Thiên - Huế, giờ chỉ còn vài đụn cát nhỏ.

Để đối phó với cuộc thanh tra?

Việc một số mỏ đồng loạt ngưng khai thác khiến cát xây dựng ở Đà Nẵng, Quảng Nam khan hiếm, đẩy giá tăng vùn vụt khiến dư luật đặt nghi vấn, phải chăng đây là “chiêu” của một số mỏ cát nhằm tạo áp lực?

Tàu hút cát neo đậu, máy xúc xếp hàng im lìm.

Tàu hút cát neo đậu, máy xúc xếp hàng im lìm.

Chủ một DN khai thác cát tại huyện Đại Lộc nêu lý do, hiện đang tạm dừng khai thác để tập trung đầu tư đường sá, chấn chỉnh môi trường lao động, khắc phục trạm cân… Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những lý do như vậy chưa thật sự thuyết phục.

Theo tìm hiểu, đến cuối 2022, tỉnh Quảng Nam có hơn 10 mỏ cát được cấp phép hoạt động khai thác. Thế nhưng, chỉ một số mỏ phía hạ lưu sông Thu Bồn, Vu Gia có trữ lượng lớn. Còn lại các mỏ cát tại trung du và miền núi của tỉnh có trữ lượng không đáng kể hoặc ngừng hoạt động.

Thời gian qua, theo đánh giá của giới chuyên môn, việc cấp phép, quản lý khai thác với các mỏ VLXD như cát, đất san lấp… tại Quảng Nam còn một số bất cập, chưa sát thực tế. Trước hết, các cơ quan liên quan như TN&MT, Công nghiệp… chưa đánh giá đúng trữ lượng khoáng sản tại từng mỏ, không dự báo được nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên giấy phép khai thác được cấp thường thấp hơn trữ lượng, thời gian khai thác cũng bị ngắn lại.

Cũng vì đánh giá không đúng về nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nên tại Quảng Nam, số lượng mỏ hết thời hạn khai thác rất lớn, trong khi đó số mỏ được cấp phép hoạt động mới theo dạng nhỏ giọt, dẫn đến tình trạng “độc quyền” thị trường, tạo ra sự khan hiếm và DN nâng giá bán vô tội vạ.

Ngoài ra, một số mỏ cát tổ chức khai thác vượt khối lượng cho phép trong thời gian dài cùng những sai phạm khác như bán hàng không xuất hóa đơn, khai thác ngoài khu vực mỏ, trốn thực hiện nghĩa vụ thuế… Đầu tháng 2/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Với những sai phạm mang tính hệ thống, kéo dài, việc xác minh đòi hỏi phải có nhiều thời gian.

Mới đây nhất, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã chủ trì buổi công bố Quyết định 466/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng; việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm VLXD trên địa bàn Quảng Nam; thời kỳ 1/1/2016 - 31/12/2021, khi cần thiết có thể thanh tra trước và sau thời kỳ thanh tra. Thời gian làm việc trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày lễ, ngày nghỉ).

Một số ý kiến nhận định, để đối phó với việc thanh tra trên, một số chủ mỏ đã đồng loạt tạm dừng khai thác, vừa để né tránh, vừa nhằm tạo sự khan hiếm VLXD, tạo áp lực đến cơ quan chức năng và thị trường.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua công tác nắm tình hình trên địa bàn, ghi nhận có việc khan hiếm nguồn cát cung cấp xây dựng. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương, chủ mỏ cát báo cáo nguyên nhân nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức.

“Trước mắt, tỉnh yêu cầu các chủ mỏ khai thác cát phải thực hiện khai thác và bán theo trữ lượng như giấy phép đã được cấp. Ví dụ trữ lượng hiện có bao nhiêu, phải khai thác tối đa bấy nhiêu, tránh tình trạng không khai thác để tạo khan hiếm giả nhằm đẩy giá. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức thanh, kiểm tra vấn đề giá bán, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định”, ông Quang nói.

Đọc thêm