Ngày 12/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam”.
Phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu xoài đạt 650 triệu đô-la
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có hơn 47.000ha xoài, năng suất bình quân từ 11-13 tấn/ha, sản lượng gần 568.000 tấn/năm. Năm 2020, xuất khẩu xoài đạt hơn 180 triệu USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, trong năm qua, giá trị xuất khẩu xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này rất tiềm năng. Tuy nhiên Việt Nam xuất khẩu còn khiêm tốn, chỉ hơn 180 triệu USD.
Quang cảnh Hội thảo. |
Để gia tăng xuất khẩu xoài, bà Nguyễn Thi Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật - đề nghị, các địa phương chỉ đạo sát sao công tác liên kết, tạo vùng nguyên liệu trên cơ sở quản lý chặt chẽ vùng trồng; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương; giao cơ quan Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu.
Đối với doanh nghiệp, phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước nhập khẩu và của cơ quan chuyên ngành Việt Nam; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để đảm bảo vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu; chủ động cập nhật thông tin xuất khẩu…
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc Đại diện quốc gia, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam - cho biết, để hỗ trợ các quốc gia hưởng lợi từ thị trường toàn cầu, UNIDO đang hợp tác chiến lược với Chính phủ Thụy Sĩ để triển khai Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu tổng thể của Chương trình là thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh thông qua tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện tiếp cận thị trường.
Phát huy vai trò của hợp tác xã
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL, hơn 12.000 ha với sản lượng gần 124.000 tấn. Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cây xoài là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ v.v..
Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”; năm 2019 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Các đơn vị ký kết thỏa thuận phối hợp thực hiện dự án phát triển chuỗi trái cây tại ĐBCSL. |
Hiện nay, xoài tỉnh Đồng Tháp đã có gần 1.000 ha được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường khó tính và hơn 4.200 ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc; được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 342 ha và mô hình sản xuất hữu cơ 5,75 ha tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh.
Tại huyện Tam Nông, Công ty Sếu Rice có trên 50 ha trồng xoài hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật; thành lập 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073 ha với trên 10 doanh nghiệp; có 05 sản phẩm của 3 cơ sở, đơn vị sản xuất đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao và tiêu thụ trong siêu thị.
Theo ông Nghĩa, trong thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục được kết nối, hợp tác lâu dài cùng với các tỉnh bạn, các tập đoàn, doanh nghiệp, để cùng đồng hành, xây dựng nên chuỗi giá trị ngành hàng xoài Đồng Tháp và Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, xứng tầm là ngành hàng chủ lực, có giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu xoài đạt 650 triệu đô. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài thì vai trò của các HTX là rất quan trọng; HTX chính là đầu mối để phối hợp, liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX sẽ quy tụ các xã viên để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp, hình thành nên vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu của nhiều thị trường khác nhau.
Đồng thời, ông Nam đề nghị, các địa phương gia tăng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chú trọng đến đối tượng liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng xoài đó là hợp tác xã, nông dân; phải xác định được thị trường xuất khẩu mục tiêu, từ đó xây dựng tiêu chuẩn dành cho thị trường đó và định hướng sản xuất cho nông dân. Xây dựng bộ tiêu chí phù hợp, thống nhất về tiêu chuẩn chung giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu xoài, đây là giải pháp để giảm chi phí cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu xoài.
Dịp này, Bộ NN&PTNT, UNIDO, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh Bến Tre đã tuyên bố hợp tác thực hiện dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: Phát triển chuỗi giá trị có khả năng chống chịu do phụ nữ và thanh niên làm chủ và tăng cường ứng dụng nền tảng số tại Việt Nam”, với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Ứng phó và Phục hồi khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 của Liên Hợp Quốc.