Thích mực nướng cồn, cả nhà nhập viện

(PLO) - Rất nhiều người, có trường hợp cả gia đình bị bỏng nặng, nguy hiểm tới tính mạng do sử dụng cồn để nướng mực. Từ đầu mùa hè đến nay, lượng bệnh nhân bỏng cồn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trường hợp cả anh em đều bị bỏng cồn vì xem chú nướng mực.
Một trường hợp cả anh em đều bị bỏng cồn vì xem chú nướng mực.
Món ngon nhưng “giá” quá “đắt”
Ngày 14/8, Viện Bỏng Quốc gia Hà Nội tiếp nhận hai cháu Dương Văn Phùng (12 tuổi) và Dương Văn Xá (11 tuổi, ngụ tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trong tình trạng bỏng nặng toàn thân. Người nhà của hai cháu kể lại, chiều tối 13/8, người chú ruột của Phùng và Xá lấy cồn ra nướng mực để ăn. Hai đứa cháu tò mò quây xung quanh chú để xem. Thấy cồn trong bát sắp cạn, người chú lấy thêm cồn đổ vào. Không may, ngọn lửa bén vào lượng cồn vừa đổ rồi bén lên lọ cồn người chú đang cầm khiến bàn tay anh này bị bỏng. 
Theo phản xạ, người chú quăng mạnh lọ cồn đang cháy ra khiến lửa bén vào hai anh em Phùng và Xá làm hai cháu cũng bị bỏng nặng. Cồn trong lọ văng tung tóe làm ngọn lửa càng bùng lên dữ dội, văng cả vào con gái 3 tuổi của người chú đang chơi gần đó. 
Vì sự việc diễn ra bất ngờ, trong nhà không có ai, người chú lại vội vàng dập lửa trên người mình mà chậm dập lửa cho con gái và hai cháu khiến ngọn lửa bén vào quần áo ba đứa trẻ và bùng lên mỗi lúc một dữ dội. Hậu quả, hai anh em Phùng và Xá bị bỏng ở mức 19,25%, bé gái 3 tuổi bị bỏng 15%, nhiều vùng bỏng sâu phải tiến hành ghép da.
Trước đó vài ngày, cũng tại Khoa Điều trị bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia Hà Nội tiếp nhận một bé gái 12 tuổi ở Đan Phượng (Hà Nội) trong tình trạng bị bỏng nặng phần mặt và ngực. Theo người nhà của bé gái, vụ tai nạn cũng xảy ra khi cháu ngồi xem bố mẹ nướng mực bằng cồn. Trong lúc đổ thêm cồn vào nướng, do đổ không đúng cách nên ngọn lửa bén vào lọ rồi lửa bùng lên phả vào vùng ngực và mặt của bé gái khiến toàn bộ khuôn mặt bé biến dạng, nhiều lớp da bị cháy xém, hoại tử. 
Bé gái đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật ghép da mặt và da ngực. Dù đã được các bác sĩ và người nhà hết lời động viên nhưng cháu vẫn cảm thấy mặc cảm, thường hay giấu mặt đi khi tiếp xúc với mọi người. 
Tương tự, vì ngồi xem bố nướng mực bằng cồn vào Rằm tháng Bảy (âm lịch) mà bé trai 5 tuổi ở Hải Dương bị ngọn lửa bén vào người gây bỏng nặng toàn thân. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một bé gái 6 tuổi cũng bị bỏng nặng 50% do gia đình nướng mực bằng cồn.
Rước “tử thần” về nhà vì chủ quan
Bác sĩ Nguyễn Thông, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Từ đầu mùa hè đến nay, lượng bệnh nhân nhập viện do bỏng cồn tại khoa đã tăng lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ người lớn bị bỏng cồn, rất nhiều trẻ em cũng bị bỏng cồn với mức độ nặng, gây nguy hiểm tới tính mạng”. 
Mực nướng vốn là một đặc sản được rất nhiều người ưa thích. Nhiều người quan niệm phải nướng bằng cồn, mực ăn mới thơm và ngon. Tuy nhiên, cách nướng mực bằng cồn như thế nào là đúng và an toàn, người dân ít khi để ý tới mà chỉ nướng theo chủ quan của mình. Cách làm này vô tình đã rước “tử thần” về gia đình mà họ không hay biết.
Thói quen của nhiều người khi nướng mực là đổ cồn 90 độ ra chảo hoặc bát rồi châm lửa nướng, hết cồn thì lại đổ thêm vào để nướng tiếp. Thế nhưng, theo bác sĩ Nguyễn Thông, thao tác “hết cồn lại đổ thêm vào để nướng tiếp” là rất nguy hiểm. Bởi nếu đổ cồn không cẩn thận, ngọn lửa còn âm ỉ khi gặp cồn cháy bùng lên, trong môi trường khuếch tán, lửa sẽ lan rộng ra. 
Độ cồn lớn khiến ngọn lửa mạnh dễ bén vào quần áo gây cháy, gây bỏng cơ thể. Khi ngọn lửa bùng lên, theo phản xạ, người đổ cồn lại hất bỏ lọ cồn trong tay ra càng tạo điều kiện cho ngọn lửa gặp cồn bùng lên dữ dội hơn rồi bén vào quần áo của người xung quanh. Do xấu hổ nên người bị bắt lửa không dám cởi quần áo ra ngay, khiến cơ thể bị bỏng nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thông khuyên, các bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình cần biết cách xử trí khi bị bỏng do cồn. Theo đó, cần ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước lạnh để vùng da bị bỏng đỡ rát, người bị bỏng cũng đỡ sốc. Nếu quần áo cũng bị bén lửa, người bị bỏng cần tìm cách dập lửa như lăn qua lăn lại dưới đất hoặc dùng chăn phủ lên vùng có lửa. Sau đó đưa người bị bỏng đến các trung tâm y tế gần nhà để được sơ, cấp cứu kịp thời. Chú ý giữ sạch vùng da bị bỏng, không bôi thêm bất cứ thứ gì để tránh vết bỏng bị nhiễm trùng./. 

Đọc thêm