'Thiếu cả thầy lẫn thợ' - ngành du lịch khó hội nhập quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Thiếu cả thầy lẫn thợ” nhân lực ngành du lịch là một thực trạng đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, đặc biệt là thời điểm hồi phục hậu đại dịch. Ngành du lịch khó hội nhập quốc tế. Để khắc phục điều này, cần có những thay đổi đáng kể trong tư duy và các chương trình đào tạo.
Ngoại ngữ là một trong những tiêu chí đầu tiên về đào tạo cho nhân lực ngành du lịch hướng đến hội nhập. (Ảnh minh họa)
Ngoại ngữ là một trong những tiêu chí đầu tiên về đào tạo cho nhân lực ngành du lịch hướng đến hội nhập. (Ảnh minh họa)

Thiếu nhân lực cao cấp cho ngành du lịch

Một hội thảo về du lịch tổ chức tại TP HCM, PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hồ Chí Minh đã đưa ra đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, có đủ sức cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực và thế giới khi có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ hóa.

Qua khảo sát, mỗi năm ngành Du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000, trong khi đa số lao động có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao. Ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ", đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh.

Thực tế, “thiếu cả thầy lẫn thợ” đã là một thực trạng chung của ngành du lịch Việt Nam từ nhiều năm nay, đặc biệt khi ngành du lịch Việt Nam phát triển những bước tiến mới, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay, câu chuyện du lịch không còn nằm ở phạm vi một quốc gia, một vùng lãnh thổ. Đời sống con người ngày một cao, nhu cầu du lịch đã trở thành một xu thế sống mới của người dân toàn thế giới. Đặc biệt, càng những năm về sau, những đất nước xinh đẹp, nhiều tiềm năng du lịch như Việt Nam ngày càng được biết đến, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách toàn thế giới.

Du lịch hội nhập ở thời đại 4.0 hiện nay đòi hỏi người làm du lịch rất nhiều kĩ năng mới. Người làm du lịch không chỉ cần trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ tốt mà còn cần đến kĩ năng sử dụng công nghệ để làm công cụ phục vụ tốt nhất cho nghề nghiệp của mình.

Trong khi đó, chất lượng nhân lực du lịch của chúng ta chỉ nằm ở mức độ “làng nhàng”. Đa phần người làm du lịch trong nước vẫn còn giữ những tư duy, cách làm đã cũ, chưa đi kịp với sự phát triển của xu thế quốc tế. Thậm chí, trong thời đại của hội nhập, đòi hỏi mấu chốt của nhân lực du lịch hướng đến tiêu chuẩn quốc tế hóa, một bộ phận hướng dẫn viên, người tham gia dịch vụ du lịch của chúng ta vẫn rất yếu kém về ngoại ngữ. Có thể nói, ngoại ngữ chính là một trong những điểm yếu nhất hiện nay của nhân lực du lịch trong nước.

Theo thống kê của ngành du lịch vào tháng 8/2022 cho thấy, đa số lao động ngành du lịch hiện nay đều là đào tạo ngắn hạn, trung cấp chứ chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp và có trình độ chuyên môn nhất định. Trong số đó, chỉ có khoảng 70% lao động đã tốt nghiệp các trường đại học. Hiện tại chỉ có khoảng 60% nguồn nhân lực là có khả năng ngoại ngữ. Và ngay cả ở con số 60% có khả năng ngoại ngữ ấy, chiếm đa số cũng chỉ là trình độ ngoại ngữ căn bản, “vừa đủ xài” chứ chưa đủ để chuyên sâu trong công việc, đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Cạnh đó, tỉ lệ nhân lực trong ngành ngoại ngữ khả năng sử dụng tin học chỉ có khoảng 70%. Đáng buồn là có một bộ phận người làm du lịch thậm chí còn “mù” tin học.

Một thống kê từ cơ quan quản lý về mức độ chuyên nghiệp trong công việc cho ra kết quả rất thấp. Đối với người có trình độ học thức từ trung cấp chỉ đạt khoảng 3/5 điểm. Còn đối với người chỉ được đào tạo sơ cấp thì chỉ được dưới 3/5 điểm.

Đặc biệt, nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Nhân lực đảm trách vị trí lãnh đạo, quản lý, quản trị kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của ngành.

Theo phân tích của TS Phan Thị Hồng Xuân, hiện nước ta có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 54 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Các cơ sở du lịch ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo còn nhiều bất cập. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn thực tiễn... Để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có giải pháp đồng bộ trong đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực cấp cao trong ngành du lịch, giải quyết bài toán thiếu thốn hiện nay.

Cần có những giải pháp đồng bộ trong đào tạo để giải quyết thực trạng “thiếu cả thầy lẫn thợ” trong du lịch. (Ảnh minh họa)

Cần có những giải pháp đồng bộ trong đào tạo để giải quyết thực trạng “thiếu cả thầy lẫn thợ” trong du lịch. (Ảnh minh họa)

Giải pháp nào?

Trong những năm qua, ngành du lịch một số đất nước láng giềng Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... đã có những bước phát triển vượt bậc, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các nước này đều có những chiến lược đào tạo nhân lực cấp cao rất hiệu quả.

Một ví dụ là tại Trung Quốc, vấn đề đào tạo nhân lực cấp cao ngành du lịch đã được đặt ra từ nhiều năm nay và triển khai từ sớm. Hằng năm, ngành du lịch Trung Quốc đã gửi các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đi bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn ở nước ngoài, đồng thời hợp tác với các trường du lịch của nước ngoài và mời các chuyên gia, giáo viên nước ngoài qua bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn du lịch cho lao động trong ngành. Tiêu chí để người tham gia ngành du lịch Trung Quốc được phép hành nghề là ngoài chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ còn cần đến chứng chỉ ngoại ngữ và một số chứng chỉ khác. Việc kiểm tra trình độ, kĩ năng, chứng chỉ của người tham gia ngành du lịch cũng được kiểm tra, sát hạch thường xuyên vì chứng chỉ chỉ có giới hạn trong một thời gian nhất định, đòi hỏi người làm trong ngành du lịch phải thường xuyên nâng cấp trình độ, cập nhật kiến thức. Cạnh đó, Trung Quốc cũng chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ nòng cốt, cán bộ lãnh đạo, có năng lực đào tạo trong nghề.

Một kinh nghiệm được lãnh đạo ngành du lịch TP HCM chia sẻ về vấn đề khắc phục thiếu nhân lực du lịch, đặc biệt nhân lực chất lượng cao đó là việc tập trung đẩy mạnh ngoại ngữ cho các hướng dẫn viên du lịch, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo để tạo nhân lực cho ngành du lịch. Cạnh đó, TP HCM còn có chương trình liên kết cùng 27 tỉnh, thành với nhiều chương trình khác nhau, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực, để giúp sức cho ngành du lịch TP trong vấn đề bổ sung nhân lực.

Theo TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Việt Nam cần phải quốc tế hóa chương trình đào tạo và đây sẽ là xu hướng mà nhiều cơ sở đào tạo về du lịch và khách sạn trong nước theo đuổi. Trong đó có thể thực hiện thông qua việc liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín của nước ngoài đào tạo chương trình cử nhân, chương trình đào tạo thạc sỹ; đào tạo theo hình thức chuyển nhượng thương hiệu và nỗ lực quốc tế hóa các chương trình đào tạo bằng việc đưa vào chương trình các học phần chuyên môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ…

Theo phân tích của các chuyên gia đầu ngành, việc mà chúng ta cần làm ngay hiện nay để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đó là mở rộng quy mô đào tạo. Đào tạo ngành du lịch hiện nay đang chỉ giới hạn ở một số ngành đào tạo cơ bản, chưa cập nhật xu thế quốc tế. Việt Nam cần nghiên cứu để sớm bổ sung một số ngành nghề đào tạo mới phù hợp với nhu cầu hiện nay. Cạnh đó, giáo trình giảng dạy của chúng ta hiện nay bị đánh giá là khá “cũ” và một chiều, thiếu hơi thở thực tế, chính vì thế, việc đổi mới chương trình đào tạo cũng rất quan trọng.

Chương trình đào tạo cũng cần thiết kế sao cho linh hoạt, phù hợp và sâu sát nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần có sự kết nối chặt chẽ với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch. Điều này không chỉ giúp xây dựng chương trình học đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mà còn tạo được mối liên kết “đầu ra, đầu vào” giữa nhân lực lao động và doanh nghiệp du lịch.

Một vấn đề quan trọng không được bỏ qua, đó là việc tăng cường đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên với kế hoạch đào tạo có tầm, chất lượng cao. Bởi, những người làm công tác giảng dạy chính là một trong những nhân tố quyết định cho chất lượng đầu ra của nhân lực ngành du lịch.

Đọc thêm