Thiếu công tâm, một nhà giáo bị thiệt quyền lợi

Một năm học mới sắp bắt đầu, nhưng với cô giáo Hà Thị Thúy (Hà Nội), sau trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, giờ lăn dài những giọt nước mắt buồn tủi vì sự đối xử thiếu công bằng của những người làm công tác thi đua.

Một năm học mới sắp bắt đầu, nhưng với cô giáo Hà Thị Thúy (Hà Nội), sau trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, giờ lăn dài những giọt nước mắt buồn tủi vì sự đối xử thiếu công bằng của những người làm công tác thi đua.

34 năm cống hiến hết mình

Gạt nước mắt, cô Thúy cho biết: Tháng 5/2009, cô nghỉ hưu sau 34 năm công tác tại Trường THCS Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, 20 năm cô là Hiệu trưởng và Bí thư chi bộ; 31 năm đạt giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, chiến sỹ thi đua, quản lý giỏi từ cấp quận tới thành phố; 3 huy chương (vì sự giáo dục, thế hệ trẻ, sự nghiệp công đoàn).

Ngoài ra, cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại các cấp, trong đó 5 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Đặc biệt, năm 1980-1981 cô dạy toàn bộ chương trình thực nghiệm cải cách giáo dục  môn Địa lý lớp 6 cho Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và viết một tập san sáng kiến kinh nghiệm từng bài dạy chương trình đó. Năm 1989-1990, cô được phân làm Hiệu trưởng trường THCS Khương Thượng, một trường trung bình, sau đó lại sáp nhập với trường Trung Tự, một trường khó khăn về chất lượng và đội ngũ giáo viên. Bằng năng lực cá nhân cùng quyết tâm của tập thể giáo viên, trường trở thành trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố.

Với bề dày thành tích đó, ngày 19/3/2010, sau khi nghỉ hưu được gần 1 năm, Trường THCS Khương Thượng gửi cho cô một bộ hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). “Ngay từ đầu tôi đã thấy trường cũ của tôi làm không bài bản, thiếu mẫu báo cáo thành tích. Hồ sơ được gửi cho trường đúng hạn vào ngày 23/3/2010. Nhưng hơn 1 tháng sau, khi mọi người đã được duyệt hồ sơ thì cô chẳng có tin tức gì. Cô gọi điện tới Phòng GD&ĐT quận Đống Đa mới biết trường nộp chậm. Quay lại trường, cô được trả lời, hiệu trưởng đi nộp nhưng Phòng GD&ĐT quận không nhận vì nộp chậm.

“Đáng nói là cả trường và quận không hề thông báo cho tôi hồ sơ bị trả lại. Tôi phải chạy hết chỗ này sang chỗ kia hỏi. Sau này tôi mới biết, khi Phòng GD&ĐT xét xong cả đợt, trường tôi mới gửi lên và bị trả lại”, cô Thúy nói.

Trong quá trình hỏi thủ tục, cô đề nghị được xét bổ sung vì tiêu chuẩn cô có đủ. Thậm chí, cô cho biết, Phòng GD&ĐT quận thừa ngoài lý do chậm nộp, thì không còn lý do gì vì Phòng đánh giá cô rất xứng đáng. Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT lại khuyên cô chờ thêm 2 năm nữa khi có đợt xét mới, chứ không ai giải quyết việc chậm nộp.

Cô Thúy trình bày với phóng viên

Không nản, cô viết đơn gửi UBND TP, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đề nghị được xét bổ sung. Cuối cùng cô có tên trong danh sách xét bổ sung, nhưng quyền lợi của cô rắc rối bắt đầu từ đây.

Ngày 26/5, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa gửi tới các trường trong quận công văn lấy ý kiến về danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT bổ sung năm 2010 cho cô và cô Hòa (cùng trường, đã nghỉ hưu). Tuy nhiên, khác với đợt 1, danh sách chỉ có tên 2 người, không kèm  lý lịch trích ngang về thành tích cá nhân. Công văn cũng không nêu lý do vì sao xét bổ sung.

Trong khi đó, danh sách đợt 1 ghi rõ trình độ được đào tạo của từng người, năm vào ngành, số năm giảng dạy, số sáng kiến kinh nghiệm, công trình nghiên cứu khoa học, số năm giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua và bằng khen Thủ tướng. Việc làm này đã gây dư luận không hay tại các trường trong quận. Nhiều trường cho rằng không có lý lịch trích ngang, thành tích không biết thì làm sao mà nhận xét và bầu. Bởi vậy, kết quả bầu tại Hội đồng thi đua cấp thành phố cô không đạt.

Cần xem lại để tránh thiệt thòi

Kết quả đó, bản thân cô Thúy hết sức ngỡ ngàng. Cô khẳng định: “về thành tích tôi hoàn toàn đủ tiêu chuẩn. Tôi cho rằng, việc chậm nộp hồ sơ đã ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi. Việc lấy phiếu thăm dò dư luận cũng không khách quan. 26 năm liền tôi đạt chiến sỹ thi đua cấp quận đến thành phố đã nói lên sự tín nhiệm đối với tôi. 20 năm liền tôi được tập thể chi bộ bầu làm bí thư chi bộ, 28 năm liền đạt Đảng viên xuất sắc tiêu biểu chứng tỏ tôi không chỉ có uy tín trong ngành giáo dục mà còn có uy tín với quận ủy, UBND. Nếu làm đúng qui trình, có bản trích ngang thành tích, mọi người biết tôi là ai, thành tích ra sao thì số phiếu không thể thấp như vậy được”.

Về sự việc này, ông Phạm Chơn, nguyên Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Thủy Lợi, chủ tịch Hội cha mẹ học sinh Trường Khương Thượng trên 20 năm nay đã có văn bản gửi Hội đồng thi đua các cấp, với nội dung: “Tôi nghĩ không có một lý do nào khác mà bỏ sót trường hợp đáng tiếc, một cán bộ nữ hết cả cuộc đời chăm lo giáo dục thể hệ trẻ như cô Thúy. Nếu cô Thúy được đưa vào danh sách để được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú thì bản thân tôi và toàn thể các bậc cha mẹ học sinh các thế hệ đều đồng tình”.

Mong muốn duy nhất của cô Thúy là Sở GD&ĐT Hà Nội cần xem xét lại qui trình xét tặng danh hiệu NGƯT đối với cô từ trường, quận tới thành phố. Thiết nghĩ, 34 năm cống hiến cho ngành giáo dục của cô Thúy không thể  bị phủ lấp bởi sự thiếu khách quan như trên.

Tuấn Minh

Đọc thêm