Khách hàng chưa thỏa mãn
Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, kinh tế đang phát triển và có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng tạo đòn bẩy cho ngành du lịch tăng trưởng, là thị trường đầy tiềm năng của vận tải hàng không.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển.
Vì vậy, tăng trưởng trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam hiện nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đạt trên 20%/năm. Hàng không và du lịch được ví như “hai cánh tay” đắc lực, phối hợp nhịp nhàng sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn.
Quy Nhơn, một trong những địa điểm du lịch hàng đầu Việt Nam |
Hiện nay, hầu hết các chương trình xúc tiến du lịch đều có sự tham gia của các hãng hàng không như một đối tác quan trọng và ngược lại. Các hãng hàng không nội địa đã có nhiều giải pháp như đa dạng hóa đường bay, tần suất bay, ưu đãi giá vé, linh hoạt tỉ lệ đặt chỗ và thu xếp các khung giờ hợp lý cho các hãng lữ hành…
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Mối quan tâm của du khách cả quốc tế và nội địa là làm sao có thể đến những nơi mình lựa chọn nhanh nhất, không phải đi qua các điểm trung chuyển. Điều này thì các hãng hàng không và nhiều DN lữ hành chưa và không đáp ứng được hết.
Trên thị trường hiện vẫn tồn tại nhiều bất hợp lý. Chẳng hạn như khách du lịch từ nước ngoài muốn đến như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Quốc... để nghỉ ngơi, thường phải bay ít nhất là 2 chặng. Chặng đầu sẽ đến những sân bay lớn tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, sau đó là chuyển tiếp. Nhiều khi khách bay đến Nội Bài (Hà Nội) hay Tân Sơn Nhất (tp Hồ Chí Minh) từ sáng, nhưng lại phải chờ tới chiều, mới có thể bay tiếp đến Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc...
Với khách nội địa, nhiều người cũng phải di chuyển về Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh rồi mới bay đến các điểm trên. Du khách ở nhiều địa phương đã phản ánh, rất khổ sở khi không có những tuyến bay thẳng. Chẳng hạn, những Du khách ở Thanh Hóa, muốn đến Quy Nhơn nghỉ dưỡng, không thể bay thẳng từ Thanh Hóa (dù ở đây có sân bay) đi Quy Nhơn được, vì không có hãng hàng không nào phục vụ, bắt buộc phải lên Hà Nội.
Không những thế, các chuyến bay từ Hà Nội hay tp Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc... vừa ít, lại vừa có giá vé cao. Chẳng hạn như bay chặng Hà Nội - Quy Nhơn, giá vé còn đắt hơn bay Hà Nội- TP HCM, dù quãng đường ngắn hơn.
Như vậy, thời gian của du khách bị lãng phí, trong khi kỳ nghỉ không phải là bất tận. Cùng với đó, chi phí cho vé máy bay cũng tăng cao, do phải bay nhiều chuyến. Tức là vừa bất lợi về di chuyển, về giờ giấc, lại vừa tốn kém thêm chi phí, làm hạn chế cơ hội đi du lịch của nhiều người. Đấy là chưa kể việc tất cả cùng đổ về những điểm trung chuyển truyền thống như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, làm cho những sân bay này luôn trong tình trạng tắc nghẽn vì quá tải.
Chờ đợi cơ hội bay thẳng
Với chiến lược tập trung vào các đường bay thẳng, Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC cho biết, sẽ mang lại cho mọi người cơ hội bay đến những địa danh này, một cách nhanh nhất cùng một dịch vụ hàng không chất lượng cao, giá hợp lý.
“Mối quan tâm của chúng tôi là làm sao du khách quốc tế cũng như du khách nội địa có thể bay thẳng đến những điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, mà không cần phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết. Từ đó tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển”, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways giải thích về định hướng bay khác biệt của hãng.
Dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, mới đây Chủ tịch Tập đoàn FLC đã ký kết hợp đồng thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy. Hiện tại Bamboo Airways đang xúc tiến thuê 10 máy bay để bay đảm bảo kế hoạch bay ngay cuối 2018.
Bamboo Airways sẽ mở các tuyến bay nội địa dành ưu tiên cho những thị trường du lịch mới nổi trong nước như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Quốc… Với đường bay quốc tế, trọng tâm khai thác trong tương lai gần của hãng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines…
Thay vì đổ về những điểm trung chuyển truyền thống như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, khách hàng của Bamboo Airways sẽ được bay thẳng tới các điểm đến đang lên của Việt Nam. Các tuyến bay như Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn Hạ Long - Tp.HCM, Hạ Long- Cam Ranh, Hạ Long- Đà Nẵng… và ngược lại, được thiết lập sẽ mang lại những tiện ích lớn cho khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Qua đó tạo giúp cho thị trường hàng không có thêm nhiều lựa chọn, cạnh tranh hơn.
Ký kết hợp đồng thoả thuận giữa Tập đoàn FLC và Airbus |
Không những thế, khách hàng của Bamboo Airways sẽ được hưởng chính sách chi phí linh hoạt và tiện ích đa dạng trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Cụ thể là những gói ưu đãi đặc biệt khi nghỉ dưỡng tại quần thể FLC ở Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình,Thanh Hóa… và những điểm du lịch mới mà tập đoàn sắp đưa vào triển khai như Nghệ An, Quảng Ngãi... Ngược lại, lượng khách đông đảo tại các quần thể FLC, cũng sẽ có những quyền lợi lớn về chi phí, khi chọn di chuyển bằng Bamboo Airways. Những gói ưu đãi này có thế giúp khách hàng tiết kiệm đến 50% chi phí.
Một trong những mục tiêu lớn của Bamboo Airways là tối ưu những trải nghiệm của du khách. Với hai vấn đề chính đã được giải quyết trọn gói là vé máy bay và khách sạn, du khách có thể tận hưởng những kỳ nghỉ chất lượng cao với chi phí tối ưu mà không phải lo lắng về kế hoạch, lịch trình, ông Nguyễn Ngọc Trọng nói. Tất cả những điều trên đúng như slogan của hãng đã thể hiện “Hơn cả một chuyến bay” (More than just a Flight).
Bamboo Airways |