Nhiều người trẻ tâm huyết với nghệ thuật hát bội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước dòng chảy như vũ bão của nghệ thuật hiện đại với sự du nhập của nhiều loại hình giải trí mới, các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội rơi vào khủng hoảng, bấp bênh. Lo ngại di sản niên đại hàng trăm năm của ông cha đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, các bạn trẻ Gen Z đã tâm huyết, nỗ lực tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng, tạo cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại…
Các hoạt động của dự án Trăm năm một cõi lan tỏa nghệ thuật hát bội tới công chúng của nhóm bạn trẻ Gen Z. (ảnh: nhóm sinh viên FPT)

Các hoạt động của dự án Trăm năm một cõi lan tỏa nghệ thuật hát bội tới công chúng của nhóm bạn trẻ Gen Z. (ảnh: nhóm sinh viên FPT)

Phương thức trình diễn cổ truyền

Hát bội hay còn gọi là hát tuồng là loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian niên đại hàng trăm năm của dân tộc Việt Nam. Theo nhiều tài liệu ghi lại thì hát bội xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XII. Nhắc tới hát bội thì phải nhắc đến những cái tên Đào Duy Từ, Đào Tấn. Đào Duy Từ (1572 - 1634) là người có công đầu trong việc phổ biến và phát triển nghệ thuật hát bội ở Đàng Trong. Được sự khuyến khích của chính quyền Chúa Nguyễn, hát bội phát triển đến độ hoàn thiện về nghệ thuật trình diễn và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân. Miền Trung được xem là “đất tuồng” cũng là vì thế. Còn Đào Tấn (1845 - 1907) là người đưa hát bội trở thành nghệ thuật hàn lâm khi chú trọng phát triển theo hướng văn chương bác học, chỉ dành cho những trí thức cung đình. Ông được xem là người đã đưa hát bội lên đến đỉnh cao về nghệ thuật cũng như văn chương.

Hát bội là lối kể chuyện, hát xướng dân gian gồm các dạng như hát xây chầu, hát thưởng, hát giàn, hát chặp. Nhóm tuồng hát gồm tuồng văn và tuồng võ, tuồng nho và tuồng thầy, tuồng truyện và tuồng đồ. Về điệu thức có nói lối, xướng, bạch; hát khách; hát nam; hát chúc mừng; ngâm, thán, oán… Bên cạnh lối hát, hát bội còn đặc sắc ở nghệ thuật hóa trang trên khuôn mặt diễn viên thể hiện tính cách nhân vật. Minh quân mặt trắng hồng, râu dài. Hôn quân thì mặt xanh, mặt rằn, râu rìa. Trung thần mặt trắng hồng, ít hóa trang. Gian thần mặt mốc, xám…

Trong kho tàng tuồng Việt Nam từ xưa đến nay, ước tính có khoảng 500 vở tuồng, nhưng văn bản thất lạc phần lớn. Có thể kể những vở tuồng tiêu biểu: Sơn Hậu, Tâm Nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình, Vạn Bản trình tường, Quần Phương hiển thụy, Hộ sinh đàn, Mã Phụng Cầm, Kim Thạch kì duyên, Trưng nữ vương… và những vở tuồng đồ: Nghêu - Sò - Ốc - Hến, Trần Bồ, Trương Ngáo…

Giới trẻ gìn giữ di sản của cha ông

Để gìn giữ di sản niên đại nhiều thế kỷ ông cha đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, các bạn trẻ Gen Z đã tâm huyết, nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng. Mới đây là cuộc triển lãm với chủ đề “Dân gian trong Gen Z” được diễn ra từ ngày 1 - 31/7/2024, tại Khu trải nghiệm, Di tích đặc biệt quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và TiredCity tổ chức trưng bày 39 tác phẩm tranh minh họa về chủ đề văn hóa dân gian của các họa sĩ trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ giữa những năm 1990 - 2010). Các tác phẩm minh họa đặc sắc với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại đã khéo léo truyền tải và tôn vinh nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam, trong đó có nghệ thuật hát bội.

Cũng trong dịp hè 2024, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM phối hợp với nhóm Hiếu Văn Ngư thực hiện chuỗi chương tìm hiểu về nghệ thuật hát bội. Sự kiện diễn ra xuyên suốt trong 2 tháng (từ ngày 14/6 - 10/8) với các buổi talkshow và workshop. Trong đó, tâm điểm là 5 talkshow “Ca biện phấn hành”, khán giả sẽ được tìm hiểu về hát bội một cách bài bản và có tương tác, với các nội dung: Kể chuyện cổ kim sân khấu Việt Nam; Giá trị của nghệ thuật hát bội thông qua vẽ mặt, phục trang; Hát - nói và âm nhạc; Những áng văn chương sáng ngời giá trị đạo đức trong hệ thống kịch bản hát bội; đặc biệt, talkshow cuối cùng sẽ là chương trình biểu diễn vở “San Hậu”, tác phẩm hát bội kinh điển với phần dẫn chuyện, thuyết minh từ các nhà nghiên cứu. Song song phần diễn thuyết là các lớp biểu diễn: Chúc phúc trong nghi lễ Đại bội, các tiết mục kinh điển: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Châu Sáng tá Thanh Long, Tống tửu Ô Hắc Lợi… do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM trình diễn.

Trước đó, nhiều dự án của các bạn trẻ giúp lan tỏa giá trị cũng như gìn giữ nghệ thuật hát bội đã ra đời như: “Vẽ về hát bội” do hai họa sĩ trẻ Huỳnh Kim Nguyên và Phùng Nguyên Quang khởi xướng, “Vang vọng trống chầu” của Echoing Drum, phim ngắn về hát bội “Trăm năm một cõi”, triển lãm “Gánh hát lưu diễn muôn phương”, những tác phẩm của nền tảng giáo dục “Vang vọng trống chầu” và các sản phẩm “Bội ký”… của các sinh viên thuộc Khoa Quản trị truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh, “Hát bội 101” của nhóm Hiếu Văn Ngư, “Bảo tàng số nghệ thuật truyền thống” của nhóm bạn trẻ Trường Ca kịch viện thực hiện…

Có thể thấy, với các dự án của mình, các bạn trẻ Gen Z đã sáng tạo, khoác lên hát bội khoác áo mới với hơi thở thời đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được hồn của di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống chứa đựng bao nét đẹp văn hoá, tinh hoa của người Việt, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các bạn trẻ và công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các dự án đều do sinh viên hoặc các bạn trẻ thực hiện. Vì lý do kinh phí có hạn nên các dự án chỉ kéo dài trong vài tháng. Hơn ai hết, các bạn trẻ mong muốn được sự chung tay của xã hội làm cầu nối đưa hát bội đến gần hơn với công chúng, lan tỏa rộng hơn, sâu hơn để vẻ đẹp di sản nghệ thuật dân tộc trường tồn với thời gian.