Thổ Nhĩ Kỳ nhận "bồi thường" sau khi bị "hất cẳng" khỏi dự án F-35

(PLVN) - Thổ Nhĩ Kỳ mua F-16 của Mỹ và bộ dụng cụ nâng cấp để đền bù cho việc bị loại khỏi chương trình F-35, Bộ trưởng Quốc phòng nước này thông tin.
Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống căn cứ không quân Incirlik. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, “Công việc kỹ thuật đã bắt đầu khi Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay F-16 Block 70 Viper do Mỹ sản xuất". Washington vẫn chưa xác nhận thỏa thuận được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công bố lần đầu tiên này.

Nhận xét của Bộ trưởng Akar được đưa ra sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels. Ông cho biết việc mua máy bay chiến đấu và hiện đại hóa các máy bay F-16 cũ hơn trong hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ “cũng đồng nghĩa với việc tăng cường khả năng phòng thủ của NATO”.

Thỏa thuận có mục đích lần đầu tiên được công bố bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Trên chuyến bay trở về từ chuyến công du châu Phi vào Chủ nhật (17/10), ông nói với các nhà báo rằng Mỹ đã đề nghị khoản tiền đó như một khoản bồi thường cho khoản đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình F-35. Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chính quyền của cựu Tổng thống Trump đẩy ra khỏi Chương trình để trả đũa cho việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không tầm xa S -400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại khỏi dự án phát triển máy bay chiến đấu F-35 vì quyết định mua hệ thống phòng không tầm xa S -400 của Nga.

“Có khoản thanh toán 1,4 tỷ USD mà chúng tôi đã thực hiện cho F-35 và Mỹ đã có đề xuất như vậy để đổi lại các khoản thanh toán này (mua máy bay chiến đấu F-16 - PV)”, ông Erdogan nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đang nỗ lực phát triển đội bay của mình từ việc hiện đại hóa những chiếc F-16 mà chúng tôi đang sở hữu đến việc mua thêm những chiếc F-16 mới".

Washington không bình luận ngay lập tức về nhận xét của ông Erdogan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, “Bộ Quốc phòng tiếp tục tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ về F-35 nhưng tôi sẽ không định trước kết quả”.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã được thực hiện bất chấp sự phản đối gay gắt từ Mỹ, vốn cáo buộc rằng phần cứng này sẽ tạo cơ hội cho Moscow nghiên cứu các đặc điểm của máy bay chiến đấu F-35 và do đó làm tổn hại đến tất cả các quốc gia vận hành chúng. Ankara dự định mua 100 chiếc F-35.

Thỏa thuận với Nga cũng khiến Mỹ trừng phạt các thực thể Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan mua sắm quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, giám đốc Ismail Demir và ba nhân viên khác đã lọt vào danh sách đen của Washington.

Ankara cho biết họ đã cân nhắc mua thêm các hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất và các thiết bị quân sự tiềm năng khác.

Đọc thêm