Động thái này đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công bố trong một bài phát biểu trước công chúng vào thứ Bảy. “Tôi đã đưa ra những chỉ thị cần thiết cho Bộ trưởng Ngoại giao, yêu cầu xử lý yêu cầu về 10 đại sứ càng sớm càng tốt”, ông Erdogan nói.
"Họ sẽ biết và hiểu về Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày họ không biết và hiểu về Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ rời đi", ông nói trước sự cổ vũ của đám đông ở thành phố Eskisehir, tây bắc nước này.
Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đức và Pháp cũng như Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết đại sứ quán của họ ở Ankara chưa nhận được thông tin từ các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề vào thời điểm này.
"Đại sứ của chúng tôi đã không làm bất cứ điều gì có thể bị trục xuất", người đứng đầu bộ phận truyền thông, Trude Maaseide, nói với Reuters trong một tuyên bố qua email, nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức rõ quan điểm của Na Uy về trường hợp này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ và pháp quyền mà nước này đã cam kết theo Công ước Nhân quyền Châu Âu", bà Maaseide nói.
Phản ứng dữ dội của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy bởi một tuyên bố chung, được đưa ra bởi 10 đại sứ vào đầu tuần này. Các đại sứ kêu gọi một giải pháp nhanh chóng và công bằng đối với trường hợp của Osman Kavala - một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ và nhà từ thiện bị giam giữ mà không bị kết án kể từ cuối năm 2017. Ông Kavala phải đối mặt với một số cáo buộc, bao gồm cả cáo buộc tài trợ cho các cuộc biểu tình chống Tống thống Erdogan và tham gia vào cuộc đảo chính năm 2016.
Hôm 19/10, các đại sứ của Đức, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vì tuyên bố “vô trách nhiệm” và “chính trị hóa [vụ] Kavala”.
Tuyên bố chung được công bố đúng kỷ niệm 4 năm ngày ông Kavala bị bắt giữ đầu tiên. Doanh nhân này đã bị xét xử và trắng án hai lần vì các cáo buộc liên quan đến tình trạng bất ổn tại Công viên Gezi năm 2013 và cuộc đảo chính thất bại năm 2016. Tuy nhiên, điều này đã không mang lại kết quả tốt đẹp nào cho ông Kavala, vì các lệnh trả tự do cho ông ta đã bị hủy bỏ với những cáo buộc mới ngay sau khi tuyên bố trắng án.
Những người ủng hộ ông Kavala tin rằng ông ta là một tù nhân chính trị, được nhắm mục tiêu cho hoạt động nhân quyền của ông ta ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời của Tổng thống Erdogan.
(*) "persona non grata" (PNG) là một thuật ngữ thường được dùng trong lĩnh vực ngoại giao chỉ một nhân vật ngoại giao bị chính quyền nước sở tại coi là không tốt, không chấp nhận sự có mặt của họ trên lãnh thổ nước mình. Thông thường, nhà nước sở tại sẽ trục xuất nhân vật đã bị tuyên bố là PNG.