Theo AFP, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào rạng sáng 21/7, sau cuộc họp kéo dài gần 5 giờ đồng hồ với các thành viên trong hội đồng an ninh quốc gia. Đây là lệnh tình trạng khẩn cấp đầu tiên được áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 15 năm trở lại đây. Quyết định của ông Erdogan sau đó được đăng tải trên truyền thông nước này vào buổi sáng, đồng nghĩa với việc nó đã có hiệu lực chính thức.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan nói rằng việc áp dụng biện pháp nói trên sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quét sạch “những phần tử khủng bố” có liên quan đến Giáo sỹ hiện đang ở Mỹ Fethullah Gulen – người bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu trong vụ đảo chính hụt vừa qua.
Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, việc áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép các cơ quan trong chính quyền có thêm các quyền để hạn chế việc tự do đi lại. Tuy nhiên, vị này khẳng định lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ không ngăn cản các hoạt động tài chính và thương mại do luật pháp quốc tế đã đặt ra những giới hạn về việc hạn chế.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2002 đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp gần đây nhất được áp tại nước này sau khi lệnh này được ban bố ở các tỉnh tại khu vực phía Đông Nam nước này trong cuộc chiến chống phần tử cực đoan người Kurd hồi năm 1987. Điều 120 của hiến pháp nước này cho phép áp tình trạng khẩn cấp tại thời điểm trật tự công cộng bị suy thoái nghiêm trọng vì các hành vi bạo lực.
Sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp được thông báo, những người sử dụng điện thoại di động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được tin nhắn thúc giục họ xuống đường để chống lại “những kẻ khủng bố”, được cho là để ngăn chặn khả năng những người có quan điểm đối lập với ông Erdogan có những hành động gây hấn mới đối với chính phủ.
Tại một cuộc họp báo diễn ra sáng qua, ông Erdogan cũng để ngỏ khả năng chính quyền sẽ bắt giữ thêm nhiều người khác trong cuộc trấn áp đang diễn ra. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc cuộc trấn áp những người bị tình nghi có liên quan đến cuộc đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt tới mức chưa từng có, với việc những đối tượng bị bắt giữ không chỉ bao gồm các thẩm phán, công tố viên và các luật sư mà còn lan sang cả các nhóm đối tượng khác.
Cho đến nay, hơn 50.000 nhân viên trong các cơ quan thuộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ hoặc bị buộc thôi việc, trong đó có 21.000 giáo viên bị đình chỉ giảng dạy và 1.577 hiệu trưởng của các trường đại học bị buộc phải từ chức. Khoảng. Hơn 9.000 người đang thuộc diện bị điều tra xét xử. 99 trong tổng số 118 tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ trong vụ việc vẫn đang bị tạm giam. Phong trào trấn áp mạnh mẽ ở nước này sau vụ đảo chính hụt đã dấy lên những lo ngại của nhiều nước trên thế giới.
Theo thống kê của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, 312 người đã thiệt mạng trong đảo chính, trong đó có 145 dân thường, 60 cảnh sát vào 104 người bị cáo buộc tham gia đảo chính.