VRG chỉ bán được 2% cổ phần IPO lần 1
Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT cơ bản hoàn thành cổ phần hóa (CPH) đối với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp. Hiện đang trong bước cuối cùng là thực hiện việc quyết toán vốn nhà nước lần hai và tiến hành kiểm toán để bàn giao sang công ty cổ phần. Còn phương án cổ phần hóa của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cũng đã được Chính phủ phê duyệt và đang trong quá trình thực hiện CPH.
Cụ thể, với VRG, doanh nghiệp này đã tiến hành IPO lần thứ nhất và Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo tiếp tục IPO lần 2. Tuy nhiên, đáng chú ý khi tiến hành IPO lần đầu mặc dù kỳ vọng sẽ bán được 11,88% cổ phần nhưng thực tế chỉ bán được hơn 2%.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, ở lần bán cổ phần tới đây, sẽ bán 1,24% cổ phần cho công đoàn và 27 ngàn người lao động của VRG đủ điều kiện. Phần còn lại 11,88 % tiếp tục bán ra để tìm nhà đầu tư chiến lược. Thứ trưởng Tuấn thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, việc bán cổ phần tại VRG vẫn chưa tìm được cổ đông chiến lược nào, nhưng hướng tới vẫn phải thực hiện đúng theo lộ trình, quy định, tiến độ.
|
Vinafood 2 cũng đang trong quá trình tìm kiếm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược |
Một trong những doanh nghiệp mà Bộ NN&PTNT đang thúc đẩy quá trình cổ phần hóa là Tổng công ty lương thực miền Nam. Dự kiến ngày 14/3 năm nay, doanh nghiệp lớn về lĩnh vực lương thực này sẽ tiến hành IPO lần đầu. “Vinafood 2 đang trong quá trình tìm kiếm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Cố gắng trong quý II hoặc chậm nhất là đầu quý III, Vinafood 2 sẽ chuyển sang công ty cổ phần. Sau đó, Vinafood 2 vẫn được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.”- Thứ trưởng Tuấn cho biết.
SVĐ Mỹ Đình mới đủ chỗ để đại hội cổ đông
Liên quan tới những khó khăn trong quá trình CPH các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, trả lời câu hỏi của PV Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) giải thích: Việc CPH doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn do chính đặc thù của doanh nghiệp ngành này, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, người lao động.
“Ví dụ, trường hợp của VRG, trước CPH, Tập đoàn có khoảng 244 nghìn ha đất. Trong phương án đưa sang công ty cổ phần của VRG là 213 nghìn ha. Đây là con số rất lớn. Vì vậy, toàn bộ câu chuyện sắp xếp có nhiều vấn đề phải xem xét, phối hợp với các bộ ngành có liên quan, với các địa phương để xử lý. Hiện tại chúng tôi đang tích cực phối hợp xử lý để đáp ứng đúng tiến độ CPH đã được duyệt.”- Ông Vũ nhấn mạnh.
Về người lao động, cũng theo ông Vũ, tại VRG, trước CPH có 44.300 lao động. Toàn bộ việc sắp xếp người lao động là câu chuyện rất lớn. Việc này còn liên quan tới vấn đề bán cổ phần cho người lao động và tổ chức đại hội đồng cổ đông. Ví dụ, với 43.000 người lao động có đủ điều kiện để mua cổ phần, nếu chỉ khoảng 30.000-40.000 người mua thì đại hội cổ đông có lẽ phải thuê cả sân vận động Mỹ Đình thì mới tổ chức được. Tuy nhiên, ban chỉ đạo cũng như các DN đều đang nỗ lực để triển khai đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ CPH mà Chính phủ đã giao.”- ông Vũ nói.
Theo một bản báo cáo của Vụ Quản lý doanh nghiệp mới đây cho thấy: Tuy lượng DN nhà nước trực thuộc Bộ còn lại không nhiều nhưng đều là những Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô lớn, lĩnh vực hoạt động đặc thù nên công tác triển khai tái cơ cấu hết sức phức tạp, khó khăn như: Phải giải quyết rất nhiều tồn đọng, phức tạp từ những năm trước để lại; Một số doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, rơi vào tình trạng mất an toàn về tài chính, chưa thực sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu; Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu tài chính chuyển biến chậm, chưa đạt các yêu cầu đặt ra trong các đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt; Thậm chí tại một số DN người đứng đầu và ban lãnh đạo chưa chủ động, còn trông chờ chỉ đạo của Bộ để thực hiện các phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong danh mục dự kiến, trong tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ cơ bản chuyển các DN đủ điều kiện trong 4 doanh nghiệp lớn thuộc bộ quản lý là VRG, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Vinafood 2 sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý.
Trong vấn đề CPH, với mọi doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ chỉ đạo làm đúng quy định, đảm bảo mục tiêu bảo tồn vốn nhà nước ở mức cao. “Kể cả trường hợp không đạt được kỳ vọng bán vốn thì VRG vẫn chuyển sang công ty cổ phần và hoạt động theo pháp luật về công ty cổ phần. Sau đó, VRG sẽ được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để tiếp tục xem xét thoái vốn ở thời điểm thích hợp” - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.