Thời của phim hoạt hình

 Có một sự thật được nhiều nhà sản xuất phim thừa nhận, đó là ở thời đại của công nghệ 3D, phim hoạt hình mới thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” hơn là phim người đóng. Tình hình cũng tương tự đối với các cụm rạp, khi mà phim hoạt hình nào ra rạp cũng trở thành “bom tấn”, còn phim điện ảnh thông thường thì rầm rộ hơn...

Có một sự thật được nhiều nhà sản xuất phim thừa nhận, đó là ở thời đại của công nghệ 3D, phim hoạt hình mới thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” hơn là phim người đóng. Tình hình cũng tương tự đối với các cụm rạp, khi mà phim hoạt hình nào ra rạp cũng trở thành “bom tấn”, còn phim điện ảnh thông thường thì rầm rộ hơn...

Hình ảnh trong phim hoạt hình “Khu đầm có cánh” - phim hoạt hình  3D đầu tiên của Việt Nam
Hình ảnh trong phim hoạt hình “Khu đầm có cánh” - phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam
“Bom tấn” nối “bom tấn”

Nếu như cách đây vài năm, việc các nhà sản xuất mỗi năm cho ra một vài bộ phim hoạt hình kinh điển kiểu như Shrek- Chằn tinh tốt bụng, Kỉ băng hà, Madagasca, Kungfu Panda, và đều “làm mưa làm gió” thị trường phim khi ra mắt như một “hiện tượng”, thì nay, các “bom tấn” hoạt hình đã không còn lạ với khán giả trên thế giới và tại Việt Nam. Những cảnh quay lãng mạn kiểu Shrek, hài hước, vui nhộn, hoành tráng kiểu Madagasca, Kungfu Panda không còn quá lạ mắt với người xem.

Tuy nhiên, dù đã trở nên quen thuộc, thì phim hoạt hình ngày nay, với công nghệ hiện đại, kết hợp 3D, nội dung đã dạng, hấp dẫn vẫn là một món ăn ngon và “chưa bị ngán” với rất nhiều người. Thậm chí, xu hướng chuyển từ thói quen xem các sản phẩm điện ảnh thông thường sang theo dõi phim hoạt hình đang dần hình thành, và một điều khá đáng ngạc nhiên là các “fan” của phim hoạt hình không phải chỉ là các em thiếu nhi mà phần nhiều là... các bậc người lớn.

Muốn chứng thực điều này, chỉ cần đến các cụm rạp ở TP.Hồ Chí Minh vào những suất chiếu phim thông thường và phim hoạt hình sẽ thấy sự chênh lệch đáng kể. Trong khi phim thông thường, dù là phim “hot” thì chỉ đông khách được vài ngày đâu, còn phim hoạt hình, lượng khách đều, ổn định kéo dài suốt thời gian chiếu. Không gian của phim hoạt hình chiếu tại rạp cũng sôi động hơn hẳn: Có tiếng cười, tiếng suýt xoa, thút thít của cả trẻ em và... người lớn.

Lý do để nhiều người chọn xem phim hoạt hình, đó là tính giải trí thoải mái nhẹ nhàng, yếu tố hoành tráng, những khung cảnh đẹp đẽ như huyền thoại khó có thể tìm thấy được ở phim thông thường, tiếng cười sảng khoái suốt suất chiếu... Ngoài ra, với phim hoạt hình, khán giả vẫn có thể được đẩy những cung bậc cảm xúc lên cao độ: Cực vui, buồn, rung động hay cả... nước mắt.

Ở những suất chiếu 3D của bộ phim hoạt hình Tangled - “Người đẹp tóc mây” chiếu vào khoảng tháng 3 vừa qua, rất nhiều khán giả nhỏ và lớn tuổi đã choáng ngợp trước khung cảnh đẹp đẽ, tráng lệ bày ra trước mắt: Hàng triệu chiếc đèn trời sáng lung linh đang trôi lơ lửng về phía bầu trời. Đó là ước nguyện của người dân trong vương quốc nọ, cầu khấn cho công chúa bé bỏng của họ bị thất lạc, một ngày nọ sẽ trở về... Nhiều em thiếu nhi thậm chí còn... đưa tay ra để bắt đèn trời vì khung cảnh quá thật và đẹp. Cũng khó tìm thấy khung cảnh nào hoành tráng một cách “lạ lùng” như siêu phẩm Rio đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc: Hàng ngàn loài chim đủ màu sắc bay lượn trên khoảng không bao la của bầu trời...

Những lý do trên đủ để How to Train Your Dragon, Despicable Me, Toy Story, Despicable Me, Tangled, Rio... doanh thu cao ngất từ thế giới đến Việt Nam, và HOP- Thỏ phục sinh sắp khởi chiếu hứa hẹn tạo cơn sốt mới vào tháng 5 tới.

“Trông người  mà ngẫm đến ta”

Và, cũng như điện ảnh nói chung, ở mảng phim hoạt hình, điện ảnh Việt Nam cũng “thua ngay trên sân nhà”. Điều này không có gì là lạ, với sự khác biệt về công nghệ, vốn đầu tư và tư duy điện ảnh.

Nếu tính trên cả nước hiện chỉ có hai đơn vị sản xuất phim hoạt hình là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Trung tâm sản xuất phim Hoạt hình của Hãng phim Truyền hình Việt Nam.

Hai hãng chỉ chuyên sản xuất phim truyền hình dài tập, chủ yếu phục vụ cho các đài truyền hình, hoặc các phim hoạt hình có thời lượng ngắn ngủ từ 10-15 phút như các bộ phim: “Bay”, “Gia tài của cha”, “Bước nhảy của châu chấu”, “Cồ và chip”, “Chim Cút làm tổ”, “Chuyện Cổ loa thành”..., chỉ xuất hiện chiếu mở màn ở các giải thưởng Điện ảnh, chiếu miễn phí cho trẻ em vào các dịp liên hoan phim, sau đó “im hơi lặng tiếng”. Ngoài vấn đề về vốn làm phim và công nghệ, có một điểm yếu của phim hoạt hình Việt Nam mà nhiều chục năm qua vẫn chưa thoát ra được, đó là nét vẽ còn sơ khai, thô mộc, thiếu uyển chuyển, nội dung phim còn mang tính giáo điều, quanh quẩn, thiếu sáng tạo, nhân vật chủ yếu là các con vật: Gà, chim, ếch...

Trong khi đó, nếu xem phim hoạt hình của nước ngoài sản xuất, ngoài sự hoành tráng, nét vẽ tinh tế, độc đáo, người xem còn có thể tìm thấy trong mỗi bộ phim một ý tưởng mới lạ, một câu chuyện ngụ ngôn đầy khéo léo, nhân văn và cảm động. Phim “Người đẹp tóc mây” kể về câu chuyện nàng công chúa Rapunzel bị bắt cóc từ nhỏ, được mụ phù thủy nuôi nấng như con trên một tòa tháp cao ngất, không cho phép đặt chân ra thế giới bên ngoài, cho đến năm 18 tuổi, tình cờ tên đạo chích quyến rũ Flynn trèo lên đỉnh tháp và đưa nàng ra thế giới bên ngoài...

Câu chuyện cổ tích đẹp đẽ và lãng mạn ẩn chứa một ngụ ngôn sâu sắc về hành trình thoát khỏi sự bảo bọc và dấn thân vào một thế giới đầy quyến rũ, cho dù chứa đựng nhiều xấu xa (thông qua hình ảnh tên đạo chích), và hành trình cải biến sự xấu xa để tìm về với tình yêu thương. Hay như siêu phẩm Rio, với câu chuyện về chú chim họ vẹt đuôi dài Nam Mỹ Blu - cá thể duy nhất còn sống sót của loài được nuôi bởi một cô bé. Khi phát hiện một cá thể vẹt đuôi dài nữa được xác định đang ở Nam Mỹ, và đó là một con cái, Blu đã rời khỏi Minnesota, đến Rio de Janero, Brazil để tìm bạn.

Đó là hành trình đầy gian nan của hai con vẹt thoát khỏi tay bọn bắt trộm, tham gia vào lễ hội Canavan nổi tiếng của Rio, đó cũng là hành trình mà chú vẹt Blu thoát khỏi những kiến thức sách vở được học khi ở chung với con người, tìm về bản năng của mình, học để bay và vươn ra thế giới rộng lớn...

Mới đây, đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn, đạo diễn phim hoạt hình từng đoạt giải LHP 2009 với phim hoạt hình Thỏ và rùa đã công bố dự án làm phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam Khu đầm có cánh. Phim hứa hẹn nhiều cảnh đẹp mắt, ý nghĩa sâu sắc. Có lẽ, đó là một ánh sáng hy vọng cho sự đổi mới tư duy của phim hoạt hình Việt.

Ở thời đại của phim hoạt hình, và phim hoạt hình chiếu rạp “đánh đâu thắng đó” như hiện nay, thì động thái nên làm của các nhà làm phim hoạt hình là đổi mới tư duy, đầu tư và nhanh chân để dành lại một thị phần “béo bở” trong nước vốn đang bị phim hoạt hình ngoại chiếm lĩnh.

Ngọc Mai

Đọc thêm