Thời điểm quan trọng phát huy nội lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 9/4, UBND TP HCM tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ”. Hội thảo này được tổ chức trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng trực tiếp đến TP nói riêng và cả nước nói chung.
Quang cảnh hội thảo khoa học (Ảnh: Báo NLĐ).
Quang cảnh hội thảo khoa học (Ảnh: Báo NLĐ).

Đây là một vấn đề hệ trọng, không chỉ đe dọa đến hoạt động xuất khẩu mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành sản xuất, tạo ra thách thức lớn cho cả nước và đặc biệt là TP HCM, địa phương có vị trí chiến lược trong nền kinh tế quốc gia, đóng góp một phần lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến như cần chủ động hơn trong việc ứng phó với tác động của chính sách thuế quan thay vì chỉ phản ứng thụ động. Trước mắt, cần tích cực đẩy mạnh đàm phán song phương với Mỹ để có thể giảm mức thuế này; kiểm soát gian lận xuất xứ; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia có FTA (Hiệp định Thương mại tự do) giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và phát triển các thị trường tiềm năng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước phát triển…

Ở góc độ quốc gia, trước đó tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu quan điểm vừa bình tĩnh, vừa chủ động ứng phó. Đây cũng là dịp để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, vượt qua khó khăn vươn lên, tự lực, tự cường và trưởng thành hơn. Tại cuộc họp chiều 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu cụ thể các nhóm giải pháp là đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Chính sách thuế của Mỹ cho thấy, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam. Hết đại dịch Covid-19 đến xung đột tại các khu vực, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hay thiên tai, bão lũ nặng nề đều gây ra những khó khăn ngoài dự báo.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, do đó, những biến động trên thế giới đều có thể ảnh hưởng. Không có cách nào khác là chúng ta phải thích nghi, góp phần dẫn dắt sự thay đổi.

Nếu cả nước nói chung và TP HCM nói riêng tận dụng tốt thời điểm này để tái cơ cấu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh nội lực… thì chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua rào cản thuế quan; định hình được vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động hơn, vững vàng hơn, ít phụ thuộc hơn.

Đọc thêm