Trước thông tin trên mạng xã hội về việc Bộ LĐTBXH đề xuất phương án cho người lao động nghỉ Tết từ 7 ngày lên 20 ngày, lãnh đạo Cục An toàn lao động, đơn vị tham mưu lập tờ trình về thời gian nghỉ tết, cho biết: Không có đề xuất này.
Với Tết Nguyên đán (Âm lịch), Điều 115 Bộ luật lao động 2012 quy định nghỉ 5 ngày; còn Điều 8 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: thời gian nghỉ Tết Âm lịch người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm.
Việc nghỉ 7 ngày theo như đề xuất với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 hay 9 ngày nghỉ năm 2016 là việc hoán đổi thời gian nghỉ cách ngày để tạo thuận tiện cho người lao động nghỉ liên tục, thực chất đó là những ngày nghỉ bù vào thứ bảy hay chủ nhật. “Với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là 7 ngày như hiện nay là khoảng thời gian hợp lý, nhất là thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết.
Với phương án nghỉ Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch), Bộ LĐTBXH trình Chính phủ: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ dịp Tết Âm lịch 2018 từ ngày 14/2/2018 đến hết ngày 20/2/2018 (tức từ ngày 29 tháng chạp năm Đinh Dậu đến hết ngày 05 tháng giêng năm Mậu Tuất). Trong dịp nghỉ Tết Âm lịch này, các ngày từ 14/2/2018 đến hết ngày 18/2/208 (tức là từ ngày 29 tháng chạp năm Đinh Dậu đến hết ngày 03 tháng giêng năm Mậu Tuất) là các ngày nghỉ lễ, các ngày còn lại là ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ bù của ngày nghỉ hằng tuần.