Thời hạn giám định phải bảo đảm phù hợp với thời hạn tố tụng

(PLVN) - Chiều 8/7, chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP), Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã nêu yêu cầu trên. 
Thời hạn giám định phải bảo đảm phù hợp với thời hạn tố tụng

Cần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP

Báo cáo với Hội đồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: Qua hơn 5 năm thi hành Luật GĐTP năm 2012, công tác GĐTP có những bước biến chuyển tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực có tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, ngân hàng, tài chính, xây dựng… cũng được tăng cường. 

Hoạt động GĐTP cơ bản đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP nói chung, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì công tác GĐTP đã bộc lộ rõ những bất cập. Ví dụ như, một số thể chế, một số quy định của Luật năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan còn hạn chế; công tác thi hành pháp luật về GĐTP cũng có nhiều bất cập…

Về nội dung, Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật năm 2012 về căn cứ trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; phân cấp việc trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định; chi phí GĐTP; xử lý vi phạm trong hoạt động GĐTP; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động GĐTP. Ngoài ra, dự án Luật bổ sung quy định về thời hạn giám định, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định… 

Đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan

Tại buổi thẩm định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội Vụ) Lê Trọng Vinh bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết ban hành của dự án Luật. Theo ông Vinh, xã hội hóa hoạt động GĐTP thực tế chưa thực hiện được và còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, về giám định pháp y, các vấn đề vướng mắc về sự phối hợp trong pháp y Y tế và pháp y Công an cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, giảm tải lãng phí nguồn lực, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (VKSNDTC) Hoàng Anh Tuyên đề nghị bổ sung Phòng Kỹ thuật hình sự Cơ quan điều tra của VKSNDTC trong quy định về hệ thống tổ chức GĐTP công lập; đề nghị bổ sung thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp của VKSNDTC. Ông Tuyên cũng đề nghị sửa đổi Luật này phải phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự, phải bảo đảm đồng bộ các văn bản, bảo đảm được tính thống nhất, đầy đủ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Tạ Quang Đôn đề nghị xem lại quy định về thời hạn nếu chỉ quy định khung mức trần thời hạn giám định không vượt quá thời hạn hoặc thời hạn gia hạn thì có thể dẫn đến kết luận giám định được ban hành vào thời điểm kết thúc thời hạn, không còn thời gian cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý vụ án, vụ việc. Đồng thời nêu ý kiến trao thêm quyền cho các bộ, ngành tự quy định thời hạn để xem xét, đánh giá hồ sơ. Về xã hội hóa GĐTP, ông Đôn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc và đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành liên quan cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý, phương hướng giải quyết phù hợp với thực tiễn, như cân nhắc việc cấp thẻ giám định viên tư pháp; mở rộng quy định về người trưng cầu giám định cho cả thanh tra để bảo đảm thực thi công vụ; đề nghị giảm bớt điều kiện thành lập văn phòng GĐTP…

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và yêu cầu rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… Về vấn đề pháp y giữa Bộ Y tế và Bộ Công an, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải rà soát, bàn bạc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi trong công tác, trong giải quyết công việc giữa 2 Bộ này. 

Liên quan đến bổ sung thời hạn giám định, Thứ trưởng Ngọc khẳng định mục tiêu chính của GĐTP là để phù hợp với tố tụng, do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với thời hạn tố tụng, đồng thời giải quyết được vấn đề gia hạn thời hạn. Về quyền và trách nhiệm của các bên trưng cầu và được trưng cầu, Thứ trưởng đặc biệt yêu cầu chú trọng trong sửa đổi, bổ sung các quy định, làm rõ về trách nhiệm của các bên. 

Bàn về chi phí GĐTP, theo Thứ trưởng, Ban soạn thảo cần rà soát, kiểm tra xem vướng mắc ở đâu, từ đó bàn bạc và tìm ra phương hướng, giải pháp phù hợp. Về trưng cầu giám định, cần tham khảo, cân nhắc với những trường hợp giám định không bắt buộc…  

Đọc thêm