Thời hiệu khởi kiện về thừa kế tăng gấp 3 lần đối với bất động sản

(PLO) - Thừa kế là một trong các chế định lớn được quy định trong hệ thống pháp luật dân sự. So với Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 thì BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới trong quy định về thừa kế. Các điểm mới này cơ bản đã góp phần khắc phục được bất cập trong quy định của BLDS năm 2005. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điểm khác biệt đầu tiên phải kể đến là BLDS năm 2015 có những quy định mới về thời hiệu khởi kiện nhằm xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế. Theo đó, khi đề cập đến thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Điều 645 BLDS năm 2005 quy định “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản… là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, việc chia thừa kế ở Việt Nam phải tuân theo thời hiệu do pháp luật quy định là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) đối với mọi tài sản. Hết thời hạn này, người thừa kế không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản. Điều này cũng có nghĩa là Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện của công dân trong trường hợp nội dung đơn kiện là khởi kiện về thừa kế khi đã hết thời hiệu 10 năm theo quy định.

Thực tiễn thi hành quy định trên cho thấy, thời hiệu khởi kiện về thừa kế 10 năm là quá ngắn để thực hiện quyền khởi kiện. Trong thực tế, có đương sự thực hiện quyền khởi kiện vào lúc đã hết thời hiệu pháp luật quy định. Khi đó, quyền lợi của người thừa kế tài sản không được pháp luật bảo vệ. Để được hưởng di sản thừa kế, không ít đương sự đã có những hành xử trái pháp luật, gây mất trật tự xã hội. Mặt khác, BLDS năm 2005 không quy định cụ thể phương án xử lý những di sản thừa kế khi hết thời hiệu 10 năm nên khi giải quyết những vụ án về thừa kế Tòa án rất lúng túng trong việc quyết định quyền sở hữu những di sản này.

Để giải quyết những vướng mắc nói trên, BLDS năm 2015 đã đưa ra quy định mới về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật này thì “thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Việc chia thừa kế trong BLDS năm 2015 vẫn phải theo thời hiệu do pháp luật quy định. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 đã phân ra hai thời hạn tương ứng với loại tài sản: 30 năm đối với bất động sản (được kéo dài gấp 3 lần so với BLDS năm 2005) và 10 năm đối với động sản. Về sửa đổi trên, Thẩm tra viên Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) Vũ Văn Công nhận định là phù hợp với thực tế hơn, các quyền dân sự của công dân được bảo vệ triệt để hơn, các mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự về di sản có điều kiện được giải quyết phù hợp và thỏa đáng hơn. 

PGS.TS. Phạm Văn Tuyết (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng cho rằng, với quy định này, BLDS năm 2015 đã giải quyết được một số bất cập của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, theo ông Tuyết, về bản chất đây là loại thời hiệu khởi kiện nên tên của điều luật cần sửa thành “Thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế”.

Đặc biệt, BLDS năm 2015 đã quy định rất rõ ràng phương án giải quyết hậu quả đối với những di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện 30 năm hoặc 10 năm. Đó là: “Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.

Căn cứ vào quy định trên có thể thấy, việc xác định quyền sở hữu đối với những di sản hết thời hiệu khởi kiện đã được quy định. Theo đó, nếu người đang quản lý di sản là người thừa kế thì di sản thuộc quyền sở hữu của họ. Nếu người đang quản lý di sản không phải là người thừa kế thì Bộ luật quy định rõ hai trường hợp: Nếu người đang quản lý di sản là người đang chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì di sản thuộc quyền sở hữu của người này. Nếu không có người chiếm hữu, người được lợi về tài sản thì di sản thuộc về Nhà nước. Quy định này vừa tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án trong giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế, vừa nhằm quy định rõ về mặt pháp lý quyền sở hữu tài sản để bảo đảm công dụng của tài sản được khai thác hiệu quả.

Đọc thêm