- LS Phạm Thị Nguyệt Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: So với Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009, Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường, cụ thể như sau:
(1) Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại
- Đối với trường hợp đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường: Trường hợp này Luật quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường (bao gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại và người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS) nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (khoản 1 Điều 6).
- Đối với trường hợp yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hành chính: Trường hợp này Luật quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính (khoản 2 Điều 6).
(2) Đối với yêu cầu phục hồi danh dự: Luật quy định không áp dụng quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự (khoản 1 Điều 6). Quy định này cũng là phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
(3) Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường: So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật đã bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường (khoản 3 Điều 6) và nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu (khoản 4 Điều 6).
Các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu bao gồm:
- Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của BLDS làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường (bao gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại và người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS) không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường (điểm a khoản 3 Điều 6).
- Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới (điểm b khoản 3 Điều 6).