Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn đọc Đỗ Văn Hà (Thái Bình) hỏi: Người yêu cầu bồi thường có quyền và nghĩa vụ như thế nào theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Quang Huy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Tại khoản 1 Điều 13 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định đối với người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại thì có các quyền sau đây:

- Yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật TNBTCNN giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường.

Đây là quy định được sửa đổi cho phù hợp với quy định về các cơ chế giải quyết bồi thường tại Điều 4 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật.

- Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.

Đây là quy định mới được Luật bổ sung để làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường, theo đó, người yêu cầu bồi thường có thể tự mình hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường.

Đây là quy định mới được bổ sung nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

- Ủy quyền theo quy định của BLDS cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Đây là quy định mới được bổ sung cho phù hợp với quy định về người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền tại khoản 4 Điều 5.

- Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đối với người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại thì có các nghĩa vụ sau đây (quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật TNBTCNN 2017):

- Cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình;

- Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường;

- Chứng minh những thiệt hại thực tế của mình được bồi thường theo quy định tại Luật TNBTCNN và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định, đối với người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo pháp luật, người thừa kế của người bị thiệt hại hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại có quyền, nghĩa vụ tương tự như quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại.

Đối với người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền thì trong phạm vi được ủy quyền họ có thể có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Về quyền, người đại diện theo ủy quyền có các quyền:

- Yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật TNBTCNN giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường;

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;

Đây là quy định mới được Luật bổ sung để làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền, theo đó, người đại diện theo ủy quyền có thể tự mình hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

- Được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường;

Về nghĩa vụ, người đại diện theo ủy quyền có thể có các nghĩa vụ:

- Cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình;

- Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường;

- Chứng minh những thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại được bồi thường theo quy định tại Luật này và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm