Thôi miên để hiếp dâm, trộm cắp (Kỳ 1)

(PLO) - Chỉ với một vài động tác đơn giản như vỗ vai, bắt tay…, những kẻ lừa bịp này có thể khiến tâm trí bạn trống rỗng và lợi dụng thời cơ đó để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc một tên tội phạm có thể dùng thôi miên để hiếp dâm thiếu nữ lại là câu chuyện chỉ có ở Malaysia.
Ở Malaysia tồn tại một loại tội phạm chuyên dùng ảo thuật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ở Malaysia tồn tại một loại tội phạm chuyên dùng ảo thuật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Malaysia - điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư du lịch. Song, ẩn sau diện mạo hào nhoáng của một nền kinh tế phát triển nhất nhì Đông Nam Á vẫn tồn tại những mặt tối. 
Đã từ rất lâu, trên thế giới xuất hiện loại tội phạm chuyên sử dụng những chiêu trò bịp bợm, dùng ảo thuật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, ở Malaysia, ảo thuật chỉ là trò chơi của những gã tội phạm “gà mờ”. Đối với những tay chuyên nghiệp, thủ đoạn gây án của chúng đã vượt lên một tầm cao mới là điều khiển tâm trí người khác…
Mất tiền trong vài giây
Báo chí Malaysia cuối những năm 2000 liên tục xuất hiện các tin tức phản ánh tình trạng nhiều người dân bị lấy mất tài sản một cách vô thức. Tài xế taxi Urnia Mat Said và doanh nhân Lim Ah Chai dường như không có bất kỳ điểm chung nào nhưng họ lại đều là đối tượng của một loại tội phạm lừa đảo thôi miên. 
“Một người đàn ông Ả Rập bất ngờ vỗ vào vai tôi và hỏi: “Anh bạn, anh đổi tiền cho tôi được không? Sau khi được sự đồng ý của tôi, hắn cho tôi xem một tờ tiền 100 USD. Sau đó hắn lấy hết tiền trong ví của hắn ra và đếm trước mặt tôi, rồi đặt cả tiền và ví vào túi áo tôi. Bọn lừa đảo có 2 người, ngoài gã đàn ông còn có vợ và đứa con hắn ở trong xe. Tôi không hề nghi ngờ gì và cứ thế móc ví của mình ra. Hắn ta không lấy tiền trong đó mà chỉ nhìn qua rồi tỏ vẻ thất vọng vì tôi không có đủ tiền để đổi. Vì thế, hắn lấy lại chiếc ví của hắn từ túi áo tôi và trả lại ví cho tôi.” - Urnia Mat Said nói. 
Cũng rơi vào trường hợp như trên, anh Lim Ah Chai kể lại: “Một nhóm người ngoại quốc hỏi tôi rằng: “Anh có thể cho tôi xem tờ dollar Malaysia của các anh không?” Tôi không ngần ngại đồng ý và lấy ra một tờ 100 đô để cho họ xem. Một người đàn ông trong số đó cầm tờ tiền ngắm nghía một hồi rồi trả lại cho tôi. Khi bọn họ đi khuất tầm mắt, tôi mới mở ví ra đếm lại tiền thì phát hiện 500 USD đã biến mất.” 
Điều khiến anh Said và anh Chai khó hiểu nằm ở chỗ, dù người đàn ông lạ mặt không hề chạm vào người cũng như rút tiền ra khỏi ví của hai người trong khi giao dịch, thế nhưng tiền của họ vẫn không cánh mà bay. Chỉ khi bọn chúng đi được khoảng 10 phút, hai nạn nhân mới nhận ra mình vừa mất tiền. 
Theo Tiến sỹ Teoh Hooi Meng - Chuyên gia nghiên cứu về thôi miên học, người dân thường liên hệ tội phạm với thôi miên vì họ không hiểu bản chất của thôi miên là gì. Thực ra, thứ đã khiến họ bị lừa là một loại ảo thuật đường phố. Ông lý giải, trước hết những tên lừa đảo chiếm niềm tin của bạn bằng cách ăn mặc sang trọng để tạo ấn tượng chúng là những người tử tế. 
Thậm chí, một số kẻ còn mang theo trẻ em hoặc đi theo cặp vợ chồng. Chúng tiếp cận bạn và đặt bạn vào tình huống bị áp lực là phải làm theo yêu cầu của chúng, chẳng hạn như chúng sẽ nói: “Tôi cần tiền để mua thức ăn cho con tôi, bạn đổi 100 USD cho tôi được không?” Chúng liên tục lặp đi lặp lại những thông tin mấu chốt như “mua thức ăn cho con”, “100 USD” để trong đầu nạn nhân chỉ hiện lên 2 cụm từ “tờ 100 USD” và “giúp người này mua thức ăn cho con”. 
Vậy làm thế nào để giúp? - đó là câu hỏi tiếp theo lởn vởn trong đầu các nạn nhân. Trong lúc các nạn nhân còn đang phân vân với những thông tin đó thì tên trộm đã cầm vào chiếc ví của họ. Lợi dụng lúc nạn nhân không để ý, tên trộm đã nhanh tay rút tiền ra khỏi ví.
Khoắng sạch cả nhà trong lúc gia chủ ngủ say
Trong khi những trường hợp lừa bịp trên có thể được khoa học lý giải một cách thuyết phục thì mọi chuyện lại trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện một loại tội phạm có khả năng đưa cả gia đình chìm vào giấc ngủ dù không hề mặt đối mặt với các nạn nhân.
“Ngày 28 tháng 10 năm 2008 là ngày lễ Deepavali. Cả gia đình chúng tôi quây quần xem tivi đến 1h30 sáng rồi mới lên gác đi ngủ. Như thường lệ, chồng của tôi đọc báo trước khi đi ngủ. Anh ấy nhớ là đã tắt đèn lúc 2h30 sáng.” - bà Rosmawati Md. Isa - chủ gia đình bị trộm - kể lại.
Bóng đèn vừa tắt, cả gia đình bà Isa chìm vào giấc ngủ sâu. Tối hôm đó, cả 4 người con gái của ông bà Isa đều ngủ chung một phòng. Khi con gái lớn thứ 2 của gia đình thức dậy để đi vào phòng tắm, một cảnh tượng hãi hùng đã khiến cô bị sốc. Toàn bộ đồ đạc trong căn phòng đã bị lục tung. 3h15 phút, bà Isa nhận được cuộc điện thoại của các con gái, thông báo toàn bộ đồ đạc trong phòng họ và căn phòng kế bên đã bị lục tung. Dường như có kẻ nào đó đã đột nhập vào nhà trong lúc cả gia đình ngủ say.
Không lâu sau khi nhận được cuộc gọi, cảnh sát có mặt tại nhà bà Isa. Họ phong toả mọi lối ra khỏi căn nhà và tiến hành lục soát nhưng không tìm thấy kẻ đột nhập. Khai với cảnh sát, bà Isa cho biết, tính từ lúc chồng bà tắt đèn là 2h30 cho tới lúc bà thức dậy mới chỉ có 45 phút trôi qua, nhưng bà cảm giác như mình đã ngủ lâu lắm rồi. Khi tỉnh dậy, bà thấy từng xăng-ti-mét trong nhà đều đã bị lục tung, cứ như thể một cơn bão vừa càn quét qua. 
Rà soát xung quanh căn nhà, cảnh sát phát hiện nhiều dấu vết đột nhập. Kẻ trộm đã cưa chấn song sắt của cửa sổ và đột nhập vào nhà bằng lối ấy. Trước khi tẩu thoát, kẻ trộm đã bỏ lại một chiếc túi, bên trong có chứa những vật dụng như cờ lê, kích xe, kìm và một đôi dép tông… Cảnh sát còn tìm thấy trên bậc cầu thang một hộp sữa uống dở đã được lấy ra từ tủ lạnh. Sau khi gây án, tên trộm đã lấy giày của ông Isa và đường hoàng đi ra cửa trước.
Vừa bình tĩnh chưa được bao lâu, gia đình bà Isa phát hiện ra một chi tiết đáng sợ hơn. Tên trộm đã đi ra bằng cửa trước và ung dung lấy đi chiếc xe ô tô được cất trong gara của gia đình. Đáng nói là cả gia đình bà Isa không có một ai nghe thấy tiếng chuông báo động của ô tô hay tiếng động cơ của chiếc xe. 
Lý giải cho tình huống này, một số nhà khoa học cho rằng tên trộm đã tiếp xúc với một hoặc một vài thành viên trong gia đình bà Isa và cài vào người ấy một âm thanh ám thị nào đó. Một khi những người này nghe thấy âm thanh đó, họ sẽ rơi vào một tâm thức khác.
Đây chỉ là một trong số ít những trường hợp mà người ta không thể khẳng định hoặc phủ nhận sự hiện diện của năng lực siêu nhiên. Tuy nhiên, có một trường hợp mà không còn cách lý giải nào khác ngoài sức mạnh siêu nhiên, đó là vụ án về một tên yêu râu xanh vô hình, từng gây ra không dưới 28 vụ thôi miên dưới cái tên của mình - Ops Baju Labuh. 
(Còn tiếp…)

Đọc thêm