Thôn lạm quyền, xã buông lỏng quản lý!

Một số cá nhân thôn Sáp Mai (Đông Anh, Hà Nội) tự lập hợp đồng trái pháp luật cho thuê mặt bằng để thu tiền. Khi người dân khiếu kiện thì lại nhân danh xã ban hành văn bản thông báo cưỡng chế. 

Một số cá nhân thôn Sáp Mai (Đông Anh, Hà Nội) tự lập hợp đồng trái pháp luật cho thuê mặt bằng để thu tiền. Khi người dân khiếu kiện thì lại nhân danh xã ban hành văn bản thông báo cưỡng chế. 

Vi phạm thỏa thuận

Năm 1998, một số cá nhân thôn Sáp Mai đứng ra làm hợp đồng ký với 8 hộ dân cho thuê mặt bằng để các hộ này xây ki ốt kinh doanh tại chợ sáp mai. Hợp đồng do thôn lập ra mặc dù không có con dấu xác nhận của chính quyền địa phương nhưng có căn cứ vào luận chứng kinh tế số 75 của UBND xã Võng La, căn cứ vào QĐ phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp cải tạo chợ sáp mai số 139 ngày 28/6/1996 của UBND huyện Đông Anh và được sự nhất trí của lãnh đạo UBND xã Võng La.  Nôi dung hợp đồng ghi thời hạn thuê là 10 năm, giá thuê được tính là 2,5 triệu đồng/suất.

Các hộ dân đề nghị được UBND xã Võng La đứng ra giải quyết

Ngoài ra, Hợp đồng có quy định bên thuê chỉ được phép xây dựng nhà cấp 4 hoặc đổ mái bê tông tầng 1 theo đúng thiết kế cho phép. Hết thời hạn 10 năm nếu còn có nhu cầu thuê thì được ưu tiên thuê tiếp, còn không thì thì phải giao trả mặt bằng cho tập thể. Hợp đồng ghi: Trong thời gian thuê nếu có vấn đề gì thay đổi hai bên sẽ bàn bạc thống nhất cách giải quyết theo đúng luật định.

Theo các hộ dân cho biết, mặc dù thỏa thuận là thế nhưng kỳ thực sau khi ký phía các hộ thì thực hiện nghiêm chỉnh với thôn như nộp tiền thuê, đầu tư cơ sở hạ tầng… nhưng chưa được 3 năm thì lãnh đạo thôn đã đơn phương tự ý phá vỡ hợp đồng: cho xây bịt chợ lấy đất sử dụng vào mục đích khác và sau đó di chuyển chợ đến khu đất khác mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của họ.

Chị Phan Thị Thành một trong năm hộ dân có đơn đến báo PLVN cho hay: “Từ năm 2001 việc chính quyền xây bịt chọ rồi di chuyển chợ sang nơi khác khiến chỗ chúng tôi thuê không thể kinh doanh. Để sinh nhai bà con lại phải ra chỗ chợ mới, bỏ thêm gần triệu đồng/tháng để thuê kiốt kinh doanh. Bức xúc chúng tôi đề nghị xã can thiệp nhưng xã làm ngơ. Mới đây thôn Sáp Mai trả lời thẳng thừng với chúng tôi là  không có kinh phí hỗ trợ bồi thường, không có quyền cấp đất dịch vụ nơi khác cho các hộ kinh doanh”.

Lạm quyền

Trong khi quyền lợi của người dân chưa được giải quyết thì ngày 20/4/2010, một số cá nhân thôn Sáp Mai lại nhân danh UBND xã ban hành văn bản: Đề nghị các hộ thu dọn tài sản trả lại mặt bằng, nếu đến 22/6/2010 mà không thu dọn trả lại mặt bằng cho tập thể thì UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế.

Văn bản này được thôn nói là thực hiện ý kiến của UBND xã Võng La truyền đạt với các hộ dân. Trả lời PLVN online, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Võng La cho biết: Theo quy định hiện nay thì thôn không có quyền ký hợp đồng cho thuê mướn hay thu tiền mà phải là UBND xã đứng ra ký. Tuy nhiên hợp đồng này thôn làm cách đây hơn chục năm lúc đó quy định chưa có. Có một số người dân trong xã đề nghị UBND xã lấy lại đất này và xã cũng có tổ chức một số cuộc họp và hưỡng dẫn các bước trình tự để thôn giải quyết với các hộ dân.

Ông Hùng tỏ sự bất ngờ khi chúng tôi trình văn bản thông báo yêu cầu tháo dỡ của thôn gửi các hộ dân. “Hôm nay tôi mới nhìn thấy, tôi là lãnh đạo xã nhưng không nhận được văn bản này. Xã chỉ đạo thôn vận động dân chứ không phải cho ban hành văn bản như thế. Đây không phải văn bản của UBND xã Võng La. Về thể thức thôn không có thẩm quyền ban hành văn bản với hình thức như một đơn vị hành chính”.  Ông Hùng cho biết sẽ báo cáo ngay với lãnh đạo UBND xã để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời. 

Nguyện vọng các hộ dân là được UBND xã Võng La đứng ra trực tiếp xử lý vụ việc để xác định rõ việc thôn làm hợp đồng với dân và đơn phương vi phạm gây thiệt hại cho họ thì cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Các hộ dân cũng yêu cầu được biết số diện tích mà các hộ dân đang thuê được chính quyền thu lại sử dụng vào mục đích gì? 

Phi Hùng
 

Đọc thêm