Thống nhất dữ liệu để chống dịch hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế cho thấy, việc sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng công nghệ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID– 19 là rất cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra tình trạng có quá nhiều ứng dụng công nghệ để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 gây nên những bất cập…
Tạo thuận tiện tối đa cho người dân khi thống nhất các ứng dụng chống dịch. (ảnh minh họa)
Tạo thuận tiện tối đa cho người dân khi thống nhất các ứng dụng chống dịch. (ảnh minh họa)

Hiện có hơn 20 ứng dụng từ trung ương đến địa phương, ban ngành có liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19 đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách hiểu và thực hiện khác nhau, cơ sở hạ tầng (thiết bị, phần mềm) bất cập, cách thực hiện (cả khâu cấp phép lẫn khâu kiểm tra) chưa chuyên nghiệp… gây khó cho người dùng, cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác định ngành nghề và đối tượng được cấp giấy đi đường.

Có thể thấy vấn đề này trong thực tế cấp giấy đi đường cho người dân tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM thời gian qua. Việc liên thông dữ liệu bất cập, lẽ ra các ứng dụng phần mềm cấp giấy cần được liên thông với cơ sở dữ liệu quản lý dân cư và doanh nghiệp để thống nhất và xác thực, thì thay vào đó là các thủ tục xác thực rất thủ công gây khó cho cả người dân lẫn cơ quan có trách nhiệm.Trong khi đó, nếu được quy về một mối, thống nhất trong dữ liệu trên toàn quốc, chỉ cần nhập số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số điện thoại, mã đăng ký kinh doanh… là có ngay dữ liệu cần thiết.

Sẽ có một phần mềm phòng, chống dịch

Để giải quyết bất cập này, ngày 11/9/2021, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch. Sau đó, Thông báo 242/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.

Cần thống nhất mã QR dùng chung cho các ứng dụng chống dịch. (ảnh minh họa)

Cần thống nhất mã QR dùng chung cho các ứng dụng chống dịch. (ảnh minh họa)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 11/9/2021, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đã có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc được sử dụng trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch. Mã QR mới là phiên bản 1.1 và 3 Bộ TT-TT, Công an và Y tế sẽ dùng chung một mẫu tờ khai báo và cho ra một mã QR thống nhất được dùng chung.

Cũng cần nói thêm rằng, cách đây 3 tháng, Bộ TT-TT đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu trên. Từ nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các phần mềm sẽ phải được kết nối với nhau để có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Lập Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia cho biết Bộ TT&TT tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu.Người dân có thể yên tâm khi các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Không đầu hàng dù là bài toán khó

Sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch thống nhất, hiệu quả để người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn - là khẳng định của các chuyên gia. Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav, kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia, cho biết đại dịch xuất hiện vào năm trước. Ngay sau đó, các công ty công nghệ đã được Chính phủ triệu tập và tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Nhiều công ty đã nhanh chóng cung cấp các giải pháp phục vụ cho việc chống dịch, nhưng do thời gian gấp mỗi công ty tham gia làm một phần. Đến nay, Chính phủ và các bộ ngành nhận thấy cần tập hợp, kết nối các phần mềm lại với nhau, cần có một bản thiết kế bài bản hơn, giống như xây một tòa nhà cần bản vẽ thiết kế của tòa nhà rồi mới thi công.

“Nguyên vật liệu” đã có nên giờ chỉ cần thống nhất và triển khai. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có được giải pháp như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu", ông Quảng cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Tử Quảng, hiện nay Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia đã chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, có 2 giải pháp, thứ nhất là hệ thống QR code. Theo đó, trong thời gian tới, các địa điểm công cộng có thể đều có mã QR mà người đến phải quét QR code. Việc quét hiện cũng rất tiện. Thứ hai là cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần. Giả thuyết khi phát hiện được ca F0 chỉ điểm và đưa lên hệ thống, có thể tìm ra mọi địa điểm mà F0 này từng đến và quét (gọi là mốc dịch tễ). Đồng thời quét ra ở thời điểm đó, địa điểm đó có những ai cùng đến. Khi đó chúng ta sẽ không cần phải đi tìm, đi loan báo trên các phương tiện truyền thông. Phần mềm phát hiện tiếp xúc gần cũng giúp tìm ra những người đã tiếp xúc trong khoảng cách 2 mét.

Còn theo ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án ITrithuc trong chống dịch, đã có nhiều công ty tham dự, tình nguyện đóng góp và Việt Nam đã làm được nhiều công nghệ để chống dịch. Về mặt công nghệ thông tin, chúng ta đã cố gắng, nhưng đây là bài toán khó, độ kỳ vọng cao. Với sự vào cuộc của cộng đồng công nghệ, chúng ta làm một lần chưa tốt nhưng sẽ sửa dần để tốt hơn. Dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã đạt được mục tiêu đưa ra.

Từ ý kiến của các chuyên gia có thể thấy, việc liên thông dữ liệu rất cần sự tham gia cùng lúc của các bộ ngành liên quan. Đơn cử như Bộ Công an cần mở hệ thống cơ sở dữ liệu để đảm bảo việc xác thực, định danh công dân; Bộ Y tế cần đóng góp cơ sở dữ liệu chuyên gia, bác sĩ, y tá, điều dưỡng để có thể trợ giúp; Bộ TT-TT đóng góp hạ tầng đủ mạnh (đường truyền, máy chủ, thiết bị tương tác) để đảm bảo đồng bộ toàn bộ hệ thống...

Việc sử dụng App dùng chung cần tính toán phân tích để hội tụ đủ các nghiệp vụ cần thiết cho việc chống dịch như: Truy vết và khoanh vùng; Theo dõi di chuyển của công dân; Quản lý F0, F1, F2; Quản lý F0 tại nhà, F0 tại bệnh viện; Quản lý tiêm chủng, quản lý xét nghiệm COVID-19; Quản lý trợ giúp dân cư và an sinh xã hội...Việc xây dựng hệ thống này phải đặt ở Trung tâm trực thuộc Ban chỉ đạo của Chính phủ, tập hợp các chuyên gia đầu ngành làm việc, chia giai đoạn, đặt mục tiêu.

Ở TP.HCM, hiện có nhiều ứng dụng khiến người dân bị rối, thế nên việc thống nhất dữ liệu là điều rất cần thiết để đạt hiệu quả trong phòng chống dịch. Trong quá trình kết nối thông tin về nột mối,để các quận thí điểm hoạt động dần đi vào cuộc sống “bình thường mới”, TP. HCM sẽ phát triển một ứng dụng khai báo y tế, kết nối với dữ liệu chung trên nền tảng dữ liệu quốc gia trong việc liên thông dữ liệu. Với người dân, ứng dụng này sẽ có bốn thông tin đồng bộ hoá: khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và với những trường hợp cách ly tại nhà có theo dõi sức khoẻ.

Đọc thêm