Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền thông tin 2 sản phẩm này nhiễm độc chì vượt quá mức cho phép. Cụ thể C2 có hàm lượng chì 0,087mg/l, Rồng đỏ có hàm lượng chì 0,085mg/l so, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ là 0,05mg/l.Chiều 9/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã vào cuộc lấy mẫu nguyên liệu tại nhà máy và mẫu nước giải khát C2 và Rồng đỏ trên thị trường để kiểm tra.
Cả 2 sản phẩm nước giải khát nói trên đều thuộc công ty TNHH URC Việt Nam sản xuất. TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP xác nhận: Kết quả lan truyền trên mạng là kết quả xét nghiệm nguyên liệu.
Còn ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết đây là kết quả kiểm nghiệm riêng của URC theo quy định và Thanh tra bộ chỉ thông tin kết quả đơn vị này kiểm tra.
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Nhiễm độc chì trong thực phẩm rất nguy hiểm.
Bởi “chì là một kim loại nặng thuộc nhóm kim loại độc cần phải lưu tâm. Nếu ăn (hoặc uống) với hàm lượng nhiều sẽ có thể xảy ra nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc mức độ dung nạp hàm lượng chì vào cơ thể của người dân…
Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh về lâu về dài” – ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng lưu ý: Theo quy định, các tiêu chuẩn về đồ uống đóng chai phải đạt giới hạn hàm lượng chì cho phép là 0,05mg/l, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định này.
Trong trường hợp “nghi án” C2, nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức, theo ông Hưng, Bộ Y tế cần xét nghiệm hàng loạt mẫu sản phẩm để đưa ra những lời cảnh báo xác thực hơn vì sức khỏe người tiêu dùng là quan trọng nhất.
Phiếu kết quả kiểm nghiệm |
“Phải tạm thời đình chỉ lô sản phẩm có công bố kết quả nhiễm độc chì quá phép. Thêm vào đó, người dân cũng nên hạn chế uống nước đóng chai bởi từ lâu, nước đóng chai đã được khuyến khích là không nên sử dụng nhiều bởi nó không tốt cho sức khỏe” – ông Hưng nhấn mạnh.
Qua “sự cố” của URC lần này, vị chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng “lên án”: Các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp phải giữ chữ tín cũng như thương hiệu của mình đối với người dùng, đảm bảo “đạo đức kinh doanh”, tuân thủ những điều kiện đăng ký ban đầu.
“Các doanh nghiệp đừng vì lợi nhuận mà đánh đổi lấy sức khỏe của nhân dân vì mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân có thể chưa thấy ngay nhưng về lâu dài chắc chắn có ảnh hưởng...” – ông Hưng nhắn nhủ.
Bác sỹ Hưng cũng than thở: “Khổ nhất vẫn là những người dân đã uống C2 rồi, bây giờ, sự thật bị phanh phui ra, họ sẽ rất hoang mang vì đã uống vào người, không thể thay đổi được!”.
Nói về mức độ nguy hiểm của thực phẩm nhiễm độc chì, y học cũng đã chỉ ra nhiều nguy cơ. Bởi chỉ cần hàng ngày cơ thể hấp thu từ 1 mg chì trở lên, sau một vài năm, sẽ có những triệu chứng đặc hiệu: hơi thở thối, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, trong nước tiểu có poephyrin, phụ nữ dễ bị sảy thai.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức trong một bài viết chia sẻ với báo chí đã thông tin: Trong công tác kiểm nghiệm dược phẩm có việc bắt buộc là thuốc đưa ra sử dụng phải tuyệt đối không được chứa kim loại nặng (chì và thủy ngân là điển hình).
Trên thực tế đã xảy ra ngộ độc do trẻ em ngậm đồ chơi có pha chì. Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên có thể xảy ra do: ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì; uống nước dẫn qua đường ống pha chì; hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm acquy (ở ta đã xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc này), mạ kim loại, khai thác chì và đúc chữ in bằng chì; nhân viên tiếp xúc với xăng dầu chứa chì hữu cơ. Chỉ cần hít thở không khí có nồng độ 5m/lít chì hữu cơ đã có thể tử vong.
Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như: da, lông, tóc, móng. Chì gây hại lên các hệ thống men cơ bản, nhất là men hemosynthetase trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).
Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống nhưng nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể. Thiếu máu có thể xem là dấu hiệu đầu tiên trong nhiễm độc chì.
Một số dấu hiệu ngộ độc cấp chì mà PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức đưa ra như rát miệng, nôn, đau bụng, ỉa phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết… Trường hợp ngộ độc chì trường diễn: xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, người có thể có dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.
Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã đưa tin, nguyên nhân sản phẩm C2, nước tăng lực Rồng Đỏ nhiễm độc chì quá mức được cho là do URC sử dụng acid citric kém chất lượng, bị nhiễm độc chì nặng từ nhà cung cấp.
Trước “nghi án” rúng động này, đại diện URC Việt Nam cũng đã lên tiếng khẳng định, đây là thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vị này cho biết, định kỳ 6 tháng, công ty vẫn gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm tra và tất cả hàm lượng đều ở mức cho phép.
Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP cho biết, để đảm bảo khách quan, tất cả các mẫu nguyên liệu lấy tại nhà máy và mẫu C2, Rồng đỏ trên thị trường sẽ được gửi đến các viện kiểm nghiệm khác để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm hàm lượng chì trong C2 và Rồng đỏ sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.