Thể chế hóa nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu nêu trên của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Bộ luật lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu tại Điều 169. Theo đó, bên cạnh việc quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường (tại khoản 2 Điều 169), Bộ luật lao động (sửa đổi) cũng quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn đối với những NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (tại khoản 3 Điều 169).
Tương tự như lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường, quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn cũng được thực hiện theo lộ trình tương tự, được quy định chi tiết hơn theo bảng thể hiện theo từng năm đủ tuổi nghỉ hưu (từ năm 2021) sẽ được áp dụng đối với những NLĐ cụ thể theo tháng, năm sinh.
Dự thảo lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp hơn của NLĐ. |
Theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật lao động thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do vậy, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp hơn tại dự thảo điều này được quy định chi tiết như với lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường nhưng thấp hơn 5 tuổi.