Biến thể Omicron dường như kháng vaccine COVID hơn nhưng ít gây bệnh nặng hơn ở Nam Phi, một nghiên cứu thực tế lớn cho thấy.
Theo kênh NBC News, nghiên cứu lớn đầu tiên trong thế giới thực về biến thể Omicron cho thấy nó dường như ít gây bệnh nặng hơn ở Nam Phi, nơi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng trước, nhưng hai liều vaccine Pfizer-BioNTech lại giảm khả năng bảo vệ chống lại Omicron so với Delta.
Phân tích được công bố ngày 14/12 bởi cơ quan quản lý chăm sóc sức khoẻ lớn nhất của Nam Phi, cho thấy, trung bình số người nhiễm biến thể Omicron phải nhập viện trong khu vực thấp hơn 29% so với do biến thể Delta trước đây. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng hai mũi tiêm vaccine Pfizer có hiệu quả bảo vệ 70% chống lại các ca nhập viện do biến thể mới, so với 90% được thấy trong làn sóng Delta.
Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói liệu những phát hiện này là tin tốt hay xấu đối với thế giới. Theo họ, tỷ lệ nhập viện thấp hơn ở Nam Phi có thể là do biến thể Omicron nhẹ hơn, hoặc có thể là kết quả của các yếu tố khác như dân số trẻ của đất nước, nhiều người trong số họ đã bị nhiễm virus và do đó sẽ có được một số khả năng miễn dịch tự nhiên.
Ryan Noach, Giám đốc điều hành của Discovery Health, cho biết trong một cuộc họp báo về nghiên cứu trên: “Đây có thể là một yếu tố gây nhiễu về các ca nhập viện và các chỉ số mức độ nghiêm trọng trong làn sóng Omicron này”.
Dù thế nào thì các phát hiện cũng có vẻ như ủng hộ dữ liệu từ chính các nhà sản xuất vaccine về việc giảm hiệu quả của hai liều cơ bản, và cũng nghiêng về các nghi vấn ban đầu rằng Omicron dễ dàng lây truyền hơn các biến thể trước đây. Nam Phi là quốc gia đầu tiên đối phó với làn sóng gia tăng do Omicron.
Chính nỗi sợ hãi này đã khiến Mỹ và các quốc gia khác áp đặt các hạn chế đi lại đối với Nam Phi và các nước láng giềng sau khi biến thể này lần đầu tiên được phát hiện tại khu vực vào tháng trước.
Ngay cả khi Omicron nhẹ hơn, các quan chức và chuyên gia ở Anh, nơi mà biến thể này hiện gần như chiếm ưu thế, vẫn lo ngại số ca nhiễm có thể lớn đến mức ngay cả một phiên bản ít nghiêm trọng hơn của virus cũng có nguy cơ áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 8/12/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Hầu hết các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron dễ lây truyền hơn nhiều so với các biến thể trước đó và có thể trốn tránh vaccine tốt hơn, do số lượng đột biến cao trên protein gai của nó.
Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) và những cơ quan khác, mũi vaccine tăng cường có thể cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn chống lại Omicron.
Trong khi mũi vaccine cơ bản suy yếu đáng kể khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm đối với biến thể mới, UKHSA cho biết, chỉ một mũi tiêm tăng cường vaccine Pfizer-BioNtech đã nâng hiệu quả đó lên 70 - 75%.
Pfizer cho biết ba mũi vaccine của họ có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron trong một thử nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Nhận xét về kết quả nghiên cứu mới tại Nam Phi, Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, nói rằng: “Nếu khả năng lây truyền của biến thể Omicron tăng cường đáng kể nhưng số ca nhập viện vì bệnh nghiêm trọng chỉ giảm 29%, thì tương lai hứa hẹn sẽ gây áp lực lớn hơn đối với năng lực chăm sóc sức khỏe”.
Nghiên cứu ở Nam Phi do Discovery Health phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, SAMRC dẫn đầu. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 211.000 trường hợp dương tính từ ngày 15/11 đến ngày 7/12, khoảng 78.000 trường hợp trong số đó được cho là nhiễm Omicron.
Chủ tịch SAMRC Glenda Grey cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng khích lệ trước kết quả đạt được”.
Nghiên cứu cho thấy rằng hai liều Pfizer-BioNTech chỉ cung cấp 33% khả năng bảo vệ chống lại nhiễm virus ở Nam Phi so với những người không được tiêm chủng. Con số này thấp hơn mức bảo vệ 80% chống nhiễm virus mà vaccine đạt được trước biến thể Delta.