Thông tư mới có thể ngăn chặn được xe quá khổ, quá tải?

(PLO) - Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải,  vừa có văn bản thông báo tới các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp và chủ xe cơ giới cần quan tâm đến quy định kết cấu, kích thước, giới hạn thùng hàng xe tự đổ, xe xi téc, xe tải và chiều dài toàn bộ xe..trước khi Thông tư mới ban hành.
Thông tư mới có thể ngăn chặn được xe quá khổ, quá tải?
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì hiện Cục đang hoàn tất để trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo Thông tư “Quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng của ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tham gia giao thông”.  Dự thảo này sẽ sớm được trình Bộ GTVT và theo lộ trình dự kiến sẽ được ký ban hành trong tháng 8/2014.
Để các tổ chức, cá nhân chủ động trong sản xuất, kinh doanh, không gây lãng phí do phải thực hiện việc chuyển đổi các xe theo quy định của Thông tư mới này, khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sản phẩm, các doanh nghiệp và cá nhân cần quan tâm tới các quy định về kết cấu, kích thước giới hạn thùng chở hàng đối với xe tự đổ, xe xi téc, xe tải (thùng hở, có mui, thùng kín, đông lạnh, bảo ôn) và chiều dài toàn bộ xe để có phương án thiết kế, sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phương tiện cũng như tính toán trước khi mua phương tiện.
Quy định cụ thể, rõ ràng hơn
Ông Nguyễn Tô An, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết: Trong thông tư lần này sẽ thay thế Thông tư 32, trong Thông tư 32 chỉ quy định cho loại xe tự đổ và xe xi téc có tổng khối lượng từ 10 tấn trở lên nhưng Thông tư sắp tới sẽ bao gồm tất cả các loại xe chở hàng.
Cụ thể, kích thước thùng hàng được quy định chi tiết về chiều dài, rộng và chiều cao cho từng loại xe nhằm tránh việc chở hàng quá tải. Về kết cấu thùng chở hàng của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải, dự thảo đề xuất quy định: Thùng chở hàng phải có kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho hàng hóa, có các thành thùng phía trước, bên cạnh và phía sau. Thùng hàng không được có các kết cấu để lắp được các chi tiết (cụm chi tiết) dẫn tới việc làm tăng thể tích chứa hàng. chiều dài toàn bộ của thùng hàng được xác định trên cơ sở thỏa mãn yêu cầu về chiều dài toàn bộ của xe (L) theo quy định tại Thông tư này.
Mui che phủ hàng hóa trong quá trình vận chuyển phải có kết cấu thỏa mãn các yêu cầu: Tấm phủ phải là bạt che; khung mui Phải tháo lắp được và đảm bảo ổn định khi xe tham gia giao thông ngoài ra Thông tư còn quy định khoảng cách giữa 2 thanh khung mui liền kề để tránh việc chất hàng vượt quá kích thước phần chở hàng của thùng hàng.
Về khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe, dự thảo đề xuất không được lớn hơn khả năng chịu tải lớn nhất của các trục xe theo quy định của nhà sản xuất đồng thời không được lớn hơn giới hạn tải trọng trục và giá trị khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông nêu trong quy định hiện hành về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về giới hạn chiều dài toàn bộ của các loại xe và chiều cao của thùng chở hàng các loại xe tải.
Riêng xe SMRM, (trừ các loại xe SMRM chở công-ten-nơ có chiều dài toàn bộ nhỏ hơn 10,2m), thì phải có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông phân bố lên vị trí chốt kéo không nhỏ hơn 35% đối với xe ba trục trở lên và không nhỏ hơn 40% đối với xe 2 trục.
Tạo điều kiện và công bằng
Sau khi Thông tư mới này có hiệu lực thì lộ trình áp dụng cho phép gia hạn hiệu lực 90 ngày sau ngày thông tư có hiệu lực để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cấp trước Thông tư mới này thì vẫn có giá trị để giải quyết các thủ tục đăng ký, đăng kiểm. Đối với xe nhập khẩu đã về Việt Nam, nhưng kết cấu, thùng hàng không thỏa mãn tại Thông tư mới thì tiếp tục kiểm tra và vẫn được cấp Giấy chứng nhận theo thông tư 31, 32 để giải quyết đăng ký, đăng kiểm. Các xe đang lưu hành phải thực hiện chuyển đổi kết cấu và thể tích của thùng hàng theo lộ trình. Ông An cho biết thêm,  
Cũng theo Cục đăng kiểm Việt Nam đánh giá, từ khi cho phép chủ phương tiện SMRM điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục cho phù hợp để có thể tăng khối lượng cho phép tham gia giao thông trên đường thì các xe SMRM sẽ không chở được quá tải nữa. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp vận tải hầu như không thực hiện, chỉ một số ít doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thực hiện. Nhưng khi các doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh SMRM thì không thể cạnh tranh được với những doanh nghiệp không thực hiện việc điều chỉnh để cố tình chở quá tải.
Sau khi Thông tư này được ban hành thì tất cả các xe SMRM hiện tại được thiết kế với mục đích chở quá tải sẽ phải thực hiện việc điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục cho phù hợp theo lộ trình quy định tại thông tư. Và theo đúng quy định tại thông tư này thì các SMRM sẽ không thể chở quá tải nhiều được nữa, sẽ tạo ra sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam khẳng định./.

Đọc thêm