[links()]Trả lời Pháp luật Việt Nam, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông dẫn đến hệ thống cầu đường nhanh chóng xuống cấp, một số địa phương như tỉnh Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi... đã ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải và đạt được nhiều thành quả, từ đó giảm thiểu số vụ tai nạn do xe quá khổ, quá tải gây ra cũng như bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Xe chở vật liệu xây dựng tràn nắp thùng ầm ầm chạy theo đường Tân Xuân để vào Hà Nội. |
Hầu hết các Sở GTVT đã phối hợp với Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm huy động lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ đối với các phương tiện vận tải hàng hoá bằng xe ô tô; Theo dự tính, đến trung tuần tháng 5 nhiều Tỉnh sẽ đồng loạt ra quân xử lý xe quá khổ quá tải trên diện rộng.
Đối với một số tỉnh miền Bắc, từ nay đến ngày 15/6/2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cũng sẽ tiếp tục phối hợp kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ 5, quốc lộ 10 tại TP. Hải Phòng và quốc lộ 18 tại Hải Dương.
Trong đợt ra quân lần này đơn vị chức trách sẽ tập trung xử lý xe quá tải trọng thiết kế của xe và tải trọng cầu đường. Đối với các phương tiện chở ga, xăng dầu, hàng đông lạnh, container kẹp chì theo quy định, chở thiết bị nguyên chiếc (không thể tháo rời) Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có văn bản thông báo cho các doanh nghiệp vận tải, các kho, cảng biết để phối hợp thực hiện, đồng thời lực lượng liên ngành sẽ tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại điểm gần cổng cảng, kho, bãi xuất hàng.
Để “điểm mặt” những xe chở quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho đặt 3 trạm cân tại quốc lộ 5, quốc lộ 10 và quốc lộ 18 nhằm yêu cầu phương tiện có dấu hiệu vượt tải vào cân tải trọng của xe.
Không chỉ các tỉnh phía Bắc mạnh tay với vấn nạn xe quá tải, các tỉnh miền Trung và miền Nam cũng đã đồng loạt ra quân “tuyên chiến” với các xe vượt tải trọng. Tại Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện quá tải, quá khổ, song tình hình vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm, đặc biệt một số đối tượng vi phạm còn tìm cách chống đối hoặc có nhiều biện pháp tinh vi để đối phó sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Để chấn chỉnh tình hình, lực lượng chức năng của Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Công an các quận – huyện tăng cường mật độ kiểm tra và đồng loạt ra quân kiên quyết, đồng bộ xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các quận huyện vùng ven có cầu, đường giới hạn tải trọng.
Trong khi đó, tại Quảng Bình, tỉnh này cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Ban ATGT tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường xử lý đối với các xe ô tô chở quá tải trọng tham gia giao thông trên đường.
“Chủ xe phải chịu mọi chi phí” Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái ngày 22/5/2013, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ tiến hành kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép trên quốc lộ 70 bắt đầu từ ngày 25/5/2013 bằng cân lưu động. Đối tượng được kiểm tra xử lý lần này là xe ô tô tải, đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe container chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường, xe siêu trường siêu trọng. Ông Cường cho hay, tất cả các trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng đều bị xử phạt và yêu cầu lái xe, chủ xe hạ tải theo quy định, đồng thời phải chịu mọi chi phí cũng như bảo quản hàng hóa trong quá trình hạ tải. |
Việt Hưng