Tại Tọa đàm về các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 do Liên minh Đất đai (LANDA) với sự hỗ trợ của Oxfam tổ chức hôm 29/3, việc thu hồi đất theo dự án dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất.
Việc TP.Hồ Chí Minh quy định sử dụng dịch vụ định giá đất độc lập để xác định giá đất phù hợp được xem như mô hình “mẫu” về hiệu quả kết hợp giữa sự đồng thuận của người dân, vai trò quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư để thực hiện cơ chế “Nhà nước quyết định giá đất” theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai 2013.
Chia sẻ lợi ích công bằng
Cơ chế này sẽ giúp nhà đầu tư chủ động trong triển khai thực hiện, dễ dàng tạo đồng thuận giữa nhà đầu tư sẽ được nhận đất và những người sẽ bị mất đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo dự án đầu tư; đồng thời giảm nhẹ được khối lượng công việc của các cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình này.
Qua nghiên cứu của LANDA, số lượng khiếu kiện của người bị thu hồi đất là rất ít, đa số là hài lòng với phương án này của chính quyền TP dù cơ chế này còn bị đánh giá là “chưa công bằng” khi người dân ở TP.HCM có điều kiện nhận được mức giá đền bù cao hơn ở các nơi khác do được thỏa thuận về giá với nhà đầu tư.
Bài toán cốt lõi là chia sẻ lợi ích từ đất đai như thế nào vẫn chưa được giải quyết khi thực hiện Luật Đất đai 2003 đã được Đà Nẵng giải quyết khi thu hồi đất theo qui hoạch với cơ chế tạo sự “chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước và người dân”.
Theo đó, chính quyền làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, đối thoại với người dân về giải phóng mặt bằng, áp dụng một mức giá tái định cư, đền bù đồng đều trên toàn TP cùng chính sách “đất đổi đất”. Kinh nghiệm này đã được đánh giá là biến “người bị thu hồi đất” thành “người được thu hồi đất”, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng… lại khó áp dụng cho các địa phương chưa hấp dẫn đầu tư.
Triệt tiêu hệ lụy
Từ những nghiên cứu về thực tiễn tại TP.Đà Nẵng, (TP.HCM, LANDA) cho rằng, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 đang được xây dựng, cần đặc biệt quan tâm đến tính công khai, minh bạch; sự tham gia của người dân; tính đồng thuận trong suốt quá trình chuyển dịch đất đai từ qui hoạch, thực hiện qui hoạch, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát và đánh giá gắn với công cụ để người dân thực hiện quyền giám sát của mình; quyền về đất đai do Nhà nước bảo đảm đối với các nhóm yếu thế (nông dân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo); trình tự, thủ tục Nhà nước quyết định giá đất bảo đảm công bằng và khách quan, hỗ trợ đời sống, việc làm, thu nhập của những người bị Nhà nước thu hồi đất.
Từ góc độ một chuyên gia, người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, muốn tạo sự đồng thuận thì bản thân pháp luật phải được thực thi, “không thể để tình trạng luật qui định, không ai thực hiện cũng chẳng chết ai” như việc Luật Đất đai 2003 có qui định về giá đất song người dân thường không hài lòng về giá đất được áp dụng trong tính giá trị bồi thường, hỗ trợ vì luôn thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm. Hạn chế này đã được khắc phục bằng những qui định có nhiều tiến bộ trong Luật Đất đai 2013 nhưng cần được hướng dẫn để “không mang tính hình thức và có sức sống”.
Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ bồi thường khi thu hồi đất để người bị thu hồi đất giữ được cuộc sống tương đương hoặc tốt hơn với trước là “một câu chuyện lớn”, như nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức thành viên của LANDA. Vì thế, giải quyết sinh kế cho người dân để họ không bị “bần cùng hóa” sau thu hồi đất phải được quan tâm trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, cũng là cách để triệt tiêu các hệ lụy xã hội phát sinh từ những vùng đất bị thu hồi cho quá trình phát triển…