Thu hồi đất ở hợp pháp nhưng không bồi thường?

7 năm qua, gia đình ông Trịnh Kỳ Tài liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức trách về việc bị chính quyền địa phương thu hồi đất ở hợp pháp tại 347/2B Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt không bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật, nhưng không được giải quyết.

7 năm qua, gia đình ông Trịnh Kỳ Tài liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức trách về việc bị chính quyền địa phương thu hồi đất ở hợp pháp tại 347/2B Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, không bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật, nhưng không được giải quyết.

Ông Tài làm việc với PLVN.

Đất ở hợp pháp hơn 32 năm

Năm 1972, vợ chồng ông Tài được mẹ vợ là bà Trần Thị Sâm cho 351m2 đất thổ cư để làm nhà ở (cho miệng, không có giấy tờ). Ngay sau đó vợ chồng ông đã tiến hành làm nhà mang biển số 347/2B nằm sát cạnh căn nhà 347/2 của mẹ vợ, không ai có ý kiến gì. Ngày 30/12/1977 UBND phường I, TP Đà Lạt cấp Giấy chứng nhận kê khai đăng ký nhà đất số 347/2B đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt cho ông Tài. Ngày 30/08/1981, Tổ dân phố lập Biên bản xác minh nhà ở (có chứng thực của UBND phường) xác nhận:

“Căn nhà tọa lạc tại số 347/2B Phan Đình Phùng thuộc tổ dân phố 32 khóm Đa Hòa, phường I, TP Đà Lạt là của ông Trịnh Kỳ Tài, nguyên quán Nghĩa Bình, thường trú tại 347/2B Phan Đình Phùng, khóm Đa Hòa, phường I, Đà Lạt”.

Hai người em vợ của ông Tài là Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Quang Minh ngụ tại 347/2 Phan Đình Phùng cũng thay mặt gia đình xác nhận vào Biên bản: “Anh Trịnh Kỳ Tài là con rể đã làm nhà ở trên phần đất của gia đình chúng tôi từ tháng 4 năm 1972. Nay kính đề nghị các cơ quan hữu trách giúp đỡ để anh Trịnh Kỳ Tài làm hồ sơ nhà đất được hợp lệ”.

Ngoài ra, tại Biên bản họp lấy ý kiến dân lý ngày 10/4/2002 (có chứng thực của UBND phường), bà con địa phương cũng xác nhận: “Nhà đất 347/2B Phan Đình Phùng là của anh Trịnh Kỳ Tài không có tranh chấp”.

Tại Tờ kê khai nộp thuế nhà đất (ngày 18/6/2002) của ông Tài đối với nhà đất nói trên có ghi rõ diện tích đất 351m2, trong đó có nhà ở 64m2 đã được UBND phường 2 chứng thực. Trong đơn xin xác nhận đăng ký kê khai hợp thức hóa nhà đất theo Nghị định 60/CP đề ngày 10/8/2002, UBND phường 2 chứng thực: “Ông Trịnh Kỳ Tài, thường trú tại 286/27 Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt trước đây có sử dụng nhà đất tại 347/2B Phan Đình Phùng, phường 2, Đà Lạt đã đăng ký kê khai nhà đất ngày 20/12/1977. Qua đơn trình bày của ông Tài là thực tế , kính chuyển Tổ công tác đất ở, nhà ở TP Đà Lạt xét giải quyết đo đạc theo Nghị định 60/CP của Chính phủ”.

Đủ điều kiện bồi thường, tại sao không giải quyết?

Ngày 8/7/2004 UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định (QĐ) số 2723 thu hồi 27.829m2 đất giao cho UBND thành phố Đà Lạt quản lý để triển khai quy hoạch chi tiết dân cư Hai Bà Trưng- Phan Đình Phùng. Theo đó, nhà đất của ông Tài bị thu hồi, giải toả. Thế nhưng, điều kỳ lạ là UBND TP Đà Lạt lại không ban hành QĐ thu hồi đất riêng cho gia đình ông Tài, không bồi thường tái định cư theo quy định của pháp luật.

Sau đó, ngày 18/11/2005 UBND TP Đà Lạt ban hành QĐ số 2962 không chấp nhận đơn yêu cầu bồi thường hỗ trợ cho gia đình ông Tài với lý do: “Ông Trịnh Kỳ Tài không xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh được việc cha mẹ vợ là ông (bà) Nguyễn Quang- Trần Thị Sâm cho đất.

Theo nội dung biên bản giải quyết quyền thừa kế nhà, đất ngày 04/7/2002 của UBND phường 2- Đà Lạt, sau khi ông (bà) Nguyễn Quang- Trần Thị Sâm chết đất và nhà ở chưa được phân chia cụ thể, do đó trong phương án đã xem xét bồi thường, hỗ trợ về nhà và đất cho đồng sở hữu (ông Nguyễn Quang Lộc) đại diện là hoàn toàn phù hợp và đúng theo quy định của pháp luật”?. Tiếp đó, ngày 8/11/2006 UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có QĐ số 3335 với nội dung: Không chấp nhận đơn của ông Tài khiếu nại Quyết định số 2962 nói trên

Trao đổi với PLVN, Luật sư Nguyễn Văn Bửu- Trưởng Văn phòng Luật sư Bửu Tín nhận xét “Việc giải quyết của chính quyền địa phương như vậy là không đúng với quy định của pháp luật. Bởi lẽ: Căn cứ Điều 234 Bộ luật dân sự về xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận, thì mặc dù đất ở của ông Tài được mẹ vợ cho miệng, không có giấy tờ, song quyền sở hữu nhà đất nói trên đã được xác lập ngay sau khi bà Sâm thỏa thuận cho vợ chồng ông Tài diện tích đất nói trên để làm nhà ở.

Thời gian qua ông Tài đã sử dụng, đã đăng ký quyền sử dụng đất và nộp thuế nhà đất cho Nhà nước đầy đủ. Tại các biên bản họp dân lý ngày 30/08/1998, ngày 10/4/2002 có chứng thực của UBND phường, các con của bà Sâm cũng  xác nhận và đề nghị cấp Giấy chứng nhận nhà đất cho ông Tài, nên nhà đất của ông Tài không liên quan gì đến di sản thừa kế của bà Sâm.

Mặt khác, nhà đất của ông Tài đã  sử dụng ổn định từ năm 1972 đến nay, được UBND phường xác nhận không có tranh chấp và có tên trong sổ địa chính. Do vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, thì ông Tài đủ điều kiện được bồi thường, tái định cư, theo điểm b, khoản 3, Điều 8 Nghị định 197, Nghị định 69 của Chính phủ, mà không cần  phải có giấy cho đất của cha mẹ vợ”

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm làm sáng tỏ sự việc trên, giải quyết bồi thường và tái định cư cho gia đình ông Tài theo đúng quy định của pháp luật, nhằm chấm dứt khiếu kiện kéo dài không cần thiết.

Nhóm P.V.

Đọc thêm