Thu hồi hơn 100 ha đất để… bỏ không?

1.020.533 m2 đất bãi bồi ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) bị thu hồi từ năm 2008 để làm bãi vật liệu của trạm trộn bê tông phục vụ công trình đê biển Bình Minh II, nhưng đến nay vẫn bỏ không…

1.020.533m2 đất bãi bồi ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) bị thu hồi từ năm 2008 để làm bãi vật liệu của trạm trộn bê tông phục vụ công trình đê biển Bình Minh II, nhưng đến nay vẫn bỏ không…

Theo người dân Kim Sơn, đê Bình Minh II hoàn thành năm 2009.
Theo người dân Kim Sơn, đê Bình Minh II hoàn thành năm 2009.

Nông dân mất nguồn thu 

Ông Mai Văn Chính ở xóm 8B, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, cho biết: Năm 2006, gia đình ông và 9 gia đình khác ký hợp đồng với Phòng Kinh tế biển huyện Kim Sơn để khai thác hải sản tự nhiên ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn trên diện tích khoảng 40ha. Các gia đình phải bỏ nhiều công sức, tiền của đầu tư như trồng cây sú, vẹt để chắn sóng.
Tuy nhiên, tháng 2/2012, có một số tàu hút bùn cỡ lớn ngang nhiên hút bùn, cát tại cửa sông Đáy rồi bơm xả vào toàn bộ diện tích đất bãi bồi mà trước đó họ từng khai thác thủy sản. Các hộ tìm hiểu thì được biết, toàn bộ đất đã được giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Thống Nhất từ năm 2008 làm bãi tập kết vật liệu và trộn bê tông để thi công đê biển Bình Minh II. Việc xả bùn, cát đã hủy hoại toàn bộ hải sản của các gia đình đang khai thác.
“Khai thác hải sản tự nhiên ở đây khá thuận lợi, khi thời tiết ấm lên, tôm cá vào hàng loạt nên chúng tôi cũng kiếm đủ ăn, giờ mất nguồn thu khiến chúng tôi rất tiếc. Nhà nước khuyến khích người dân lấn biển, đưa đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng, tại sao lại thu hồi để bỏ không như vậy?” - ông Chính xót xa.
Cũng theo ông Chính, các gia đình không hề được đền bù thiệt hại khi dự án lấy đất vào khu vực mà họ đang khai thác hải sản tự nhiên. Trong khi cạnh đó, một số gia đình khác lại không được đền bù, hỗ trợ.
Được biết, trước đó, UBND huyện Kim Sơn từng cho các hộ thuê đất bãi bồi ven biển nhưng chỉ thực hiện từng năm một vì khu đất này thường xuyên thay đổi, sạt lở. Về phần bồi thường, ông Mai Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn - cho hay: “Cụ thể từng hộ thì tôi không nắm được, nhưng tôi nhớ lúc đó doanh nghiệp Thống Nhất là chủ đầu tư có chủ trương tự thỏa thuận với các hộ về tiền hỗ trợ. Những trường hợp không được hỗ trợ là những hộ đã hết hạn hợp đồng thuê đất trước thời điểm triển khai dự án này”. Ông Thanh cũng cho biết, sẽ có trả lời cụ thể cho Báo sau khi kiểm tra kỹ sự việc.
Doanh nghiệp “ôm” đất?
Tại Quyết định 177 ngày 21/1/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình về thu hồi đất nêu: “Thu hồi 1.020.533m2 đất bãi bỗi ven biển Kim Sơn để giao cho Doanh nghiệp xây dựng Thống Nhất quản lý để sử dụng vào mục đích mở rộng bãi vật liệu trạm trộn bê tông, bãi vận chuyển vật tư phục vụ thi công để biển Bình Minh II”.
Không biết trạm trộn bê tông trước khi mở rộng có diện tích bao nhiêu, nhưng chỉ với phần mở rộng này cũng khiến nhiều người “choáng” trước một diện tích lớn đến như vậy. “Dự án nâng cấp đê biển Bình Minh II chỉ cần diện tích khoảng 1ha để làm trạm trộn bê tông là đủ, sao lại thu đến hơn 102ha để làm gì? Tỉnh đã có qui hoạch làm khu du lịch sinh thái ở đây nên chúng tôi nghi ngờ thu hồi nhiều như vậy để sau này cho doanh nghiệp làm khu du lịch?” - một người dân thắc mắc.
Nghi ngờ của người dân không phải là không có lý bởi Quyết định thu hồi từ năm 2008, nhưng đến nay, toàn bộ hơn 102ha đất vẫn chưa được sử dụng hết cho mục đích làm trạm trộn bê tông, bãi vận chuyển vật tư phục vụ thi công đê Bình Minh II. Trong khi đó, theo tìm hiểu và quan sát của PLVN, đê Bình Minh II đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu. “Tuyến đê đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2009, nhưng chưa một lần diện tích thu hồi được dùng để làm bãi trộn bê tông” - ông Mai Văn Chính khẳng định.
Trả lời thắc mắc này, ông Mai Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn - cho biết: “Đê Bình Minh II mới chỉ xong giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 nữa. Hiện dự án vẫn đang hoạt động và Quyết định thu hồi đất số 177 của UBND tỉnh Ninh Bình vẫn còn hiệu lực”.
Theo Phó Chủ tịch Thanh, doanh nghiệp Thống Nhất vẫn là chủ sử dụng hơn 102 ha đất bãi bồi nói trên. Tuy nhiên, trong quyết định này chỉ nêu “thi công đê biển Bình Minh II”, chứ không đề cập đến giai đoạn II. Cùng với việc đất bỏ không 3 năm nay và đê đã hoàn thành đưa vào sử dụng, việc quyết định không nêu rõ thời hạn sử dụng đất của doanh nghiệp khiến dư luận nghi ngờ doanh nghiệp “ôm” đất vì mục đích nào đó.
Bộ TN&MT đang tiến hành kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thiết nghĩ, đây là một trong những “địa chỉ” cần được kiểm tra để làm rõ có hay không những điều mà dư luận đang nghi ngờ.
Báo PLVN năm 2011 từng có loạt bài phản ánh về dự án xây dựng bến phà đò Điện Biên cũng thu hồi 44.638,5m2 đất bãi bồi ven biển tại thị trấn Bình Minh (Kim Sơn) từ năm 2010 để giao cho một doanh nghiệp. Nhưng đến nay dự án này cũng không được triển khai, thậm chí còn có dấu hiệu bị biến tướng. 

Thanh Quý - Tuấn Anh

Đọc thêm