Thu hút du khách qua di sản văn hóa Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục quan trọng của cả nước, Hà Nội còn là trung tâm văn hóa lớn được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc. Đây chính nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị, là một trong những lợi thế để Thủ đô phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch văn hóa, góp phần giữ hồn mảng đất ngàn năm văn hiến.
Hà Nội là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.
Hà Nội là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Kết nối di sản phát triển du lịch

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023. Lễ hội được tổ chức quanh hồ Hoàn Kiếm, tại khu vực đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, Nhà Bát Giác, phố Lê Thạch (Hà Nội).

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 26/3/2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch”, nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, từ đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch hấp dẫn và an toàn.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức với quy mô lớn, khuyến khích người dân khám phá các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội như: Phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, Vườn Quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng... Lễ hội còn thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, đồng thời tổ chức các chương trình du lịch cho người Hà Nội đi du lịch tới các địa phương khác, khuyến khích sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội.

Ngoài ra, Lễ hội sẽ giới thiệu những giá trị độc đáo, đặc sắc của làng nghề, ẩm thực Hà Nội; các di sản văn hóa kết nối Hà Nội và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình.

Dự kiến, Lễ hội sẽ gồm các không gian chung, gian hàng các tỉnh, thành phố, gian hàng du lịch, không gian ẩm thực, làng nghề. Khu không gian chung gồm thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội, hình ảnh di sản các địa phương, các điểm check-in cho du khách tại khu vực phía trước tượng đài Cảm Tử (đền Bà Kiệu) và các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Nhà Bát Giác.

Trong khuôn khổ Lễ hội, nhiều hoạt động được tổ chức: Hội nghị về phát triển sản phẩm du lịch di sản và các sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch; diễu hành xích lô du lịch, tái hiện phong tục hỏi cưới của người Hà Nội, trình diễn nghệ thuật đường phố; giới thiệu sản phẩm du lịch tại khu gian hàng kích cầu gồm: các tour du lịch, vé máy bay; dịch vụ tham quan, du lịch tại các khu điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội. Lễ hội còn có triển lãm Ảnh đẹp du lịch; tổ chức khảo sát tour trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của Hà Nội.

Khu gian hàng các tỉnh, thành phố giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương được trưng bày tại phố Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra, khu vực này còn có gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế để giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch quốc tế.

Những giá trị văn hóa độc đáo

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản đô thị với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, đặc biệt Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010.

Tất cả trở thành nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển nhiều loại sản phẩm thu hút khách du lịch, như du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng... thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế. Có thể nói, Hà Nội sở hữu nét đẹp dịu dàng, cổ kính, thơ mộng pha lẫn hiện đại được nhiều tín đồ du lịch trong và ngoài nước ưa thích.

Mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng, Thủ đô Hà Nội đã ngày càng khẳng định rõ vị thế quan trọng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Trong những năm trở lại đây, Hà Nội luôn được một số tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới, như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG) tổ chức bình chọn và đạt danh hiệu Top 10 điểm đến Du lịch hấp dẫn nhất châu Á.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đón 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 13-14 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 270-300 nghìn tỷ đồng.

Tháng 4/2022 HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và những năm tiếp theo với hơn 14.000 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa - nguồn lực vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa.

Ngoài giữ gìn và phát huy di sản, Hà Nội còn phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới như du lịch y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch giáo dục, trải nghiệm dành cho học sinh; Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực có đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

Hà Nội triển khai dự án phát triển du lịch thông minh, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông tại các điểm đến du lịch để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến và kinh doanh du lịch.

Đọc thêm